Làn sóng doanh nghiệp Nhật từ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam sẽ mạnh mẽ hơn
Ngày 18-12, tại hội nghị Bàn tròn giữa lãnh đạo TP HCM và Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Nhật Bản, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết đây là sự kiện thường niên được tổ chức trong 17 năm qua, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo TP trong tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các DN nước ngoài, trong đó có DN Nhật tại TP. Những năm qua, TP luôn đánh giá Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trên nhiều lĩnh vực.
Tính đến tháng 11 năm 2018, Nhật là nhà đầu tư lớn thứ 5 năm của TP với 1.247 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đạt gần 4,2 tỉ USD. So với năm ngoái, TP đã có thêm 200 dự án đăng ký mới và trên 200 triệu USD vốn đầu tư gia tăng từ Nhật.
Những con số trên tuy ấn tượng nhưng theo lãnh đạo TP, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nền tảng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa 2 quốc gia. Do đó, TP hy vọng các hội nghị bàn tròn sẽ nâng cao niềm tin của cộng đồng DN Nhật vào chính quyền để an tâm sản xuất, mở rộng đầu tư.
"Hiện TP đang triển khai cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội và mô hình đô thị thông minh, sáng tạo, các DN Nhật đang, sẽ đầu tư vào TP có thêm điều kiện, cơ chế, môi trường đầu tư thuận lợi hơn nữa" - Phó chủ tịch Lê Thanh Liêm nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp Nhật tham gia hội nghị bàn tròn với lãnh đạo TP HCM. Ảnh: Linh Anh |
Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP HCM, ông Kawaue Junichi cho biết hiện có khoảng 1.000 DN Nhật đang đầu tư tại TP. Số lượng DN đến từ Nhật ngày càng tăng và người Nhật ở TP ngày càng nhiều, cùng với ngành nghề đầu tư cũng đa dạng hơn.
Ông Takahisa Onose, Trưởng ban Tài chính - Thuế - Hải quan, Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP HCM, đánh giá môi trường đầu tư của TP và Việt Nam khá tốt, phần lớn DN Nhật đều có đầu tư mở rộng thêm hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, trong xu hướng đầu tư của các DN Nhật gần đây, có một điểm đáng lưu ý, là tình hình căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc gần đây đã thúc đẩy làn sóng dịch chuyển nhà máy, cơ sở sản xuất của DN Nhật ở Trung Quốc sang Việt Nam nhiều hơn.
"Trước đó, đã có xu hướng di chuyển dòng vốn đầu tư, sản xuất của DN Nhật từ Trung Quốc sang các nước, trong đó có Việt Nam. Và làn sóng này đang mạnh mẽ hơn trong thời gian gần đây, nên Việt Nam cần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư để tận dụng dòng vốn này" – ông Takahisa Onose nhìn nhận.
Ngoài ra, theo các DN, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực vào năm 2019 sẽ tạo động lực, mở ra cơ hội hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản, trong đó có cộng đồng DN.
Xem thêm |