Thấy gì từ 112 tỉ USD các nước trong CPTPP đang đầu tư vào Việt Nam
Đó là nhận định của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - Thành viên Ủy ban chính sách phát triển của Liên hiệp quốc tại hội thảo “Hội nhập quốc tế, các hiệp định FTA song phương và đa phương, CPTPP - Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam" ngày 16/12.
hội thảo “Hội nhập quốc tế, các hiệp định FTA song phương và đa phương, CPTPP - Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam" ngày 16/12. (ảnh: MA). |
Các nước trong CPTPP đang đầu tư vào Việt Nam khoảng 112 tỉ USD
Ông Doanh cho biết, ngày 12/11/2018, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, với 100% đại biểu tán thành.
Như vậy, với quyết định của Quốc hội, Việt Nam là quốc gia thứ 7 phê chuẩn CPTPP - một trong những hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay.
Ông Doanh cho biết, cho đến nay các nước CPTPP đang chiếm tỷ trọng khoảng 15,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và chiếm khoảng 16% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam nên sẽ tạo ra thị trường lớn về thương mại cho Việt Nam.
Ngoài ra các nước trong CPTPP đang đầu tư vào Việt Nam khoảng 112 tỉ USD, tương đương 15% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, sẽ tạo điều kiện cho các dòng vốn FDI cũng như đầu tư gián tiếp thông qua hoạt động mua cổ phần, mua bán sáp nhập tiếp tục có cơ hội tăng trưởng.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho hay, CPTPP sẽ thúc đẩy quá trình cải cách trong nước của Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu, song cũng gia tăng cạnh tranh gay gắt trên thị trường trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ khi hàng hóa DN nước ngoài xâm nhập thị trường nội địa.
Hơn nữa, khả năng thích nghi của các DN Việt với nền kinh tế thị trường còn kém nên những thách thức, khó khăn ngay tại sân nhà cũng vì thế mà tăng cao. Ngoài ra, đó còn là thách thức liên quan đến năng lực cạnh tranh, quản trị điều hành, liên quan đến minh bạch, công nghệ thông tin, sở hữu trí tuệ và nguồn nhân lực.
Theo ông Doanh, DN Việt cần phải nhanh chóng tiếp cận, tìm hiểu rõ điều khoản của CPTPP để đánh giá được cơ hội và thách thức với chính ngành nghề của mình, DN của mình, từ đó có những chiến lược, giải pháp phù hợp trong cạnh tranh, khai thác được các cơ hội mà CPTPP mang lại.
Nhiều doanh nghiệp lo ngại về khả năng tận dụng cơ hội CPTPP
Đối với ngành dệt may, ông Doanh cho biết, Hiệp hội dệt may Việt Nam kỳ vọng CPTPP sẽ mang về cho Việt Nam kim ngạch xuất khẩu 30 tỉ USD vào năm 2020 và cám mức 55 tỉ USD vào năm 2030.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lớn ngành này tỏ lo ngại về khả năng tận dụng cơ hội từ CPTPP. Bởi hàm lượng CPTPP phải đạt 70%, mới có làn sóng đầu tư vào sản xuất và dịch vụ trợ giúp dệt may nâng cao hàm lượng nội địa. Hiện Hiệp hội dệt may đang thương lương thời gian ân hạn 3 - 5 năm và tỷ lệ 70%.
Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng nông thủy sản xuất khẩu Việt Nam vấp phải các hàng rào kỷ luật nghiêm ngặt từ các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Mexico... Điển hình như Luật nông nghiệp 2014 của Mỹ; các tiêu chuẩn EU...
Về các mặt hàng nông sản, ông Doanh cho biết, Uỷ ban châu Âu và Nhật Bản cũng đã nhiều lần đưa ra các cảnh báo đối với mặt hàng rau, củ quả Việt Nam như thanh long, gạo, mướp đắng,... thậm chí gỗ làm bao bì đóng hàng xuất khẩu cũng vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này đã làm uy tín của nông sản và hàng hóa của Việt Nam trên thị trường quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.