Lần đầu tiên trong 10 năm, xuất khẩu sang các nước tiếng Trung quí I giảm
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, trong quí I, nhập khẩu của Việt Nam từ các đối tác thị trường tiếng Trung (Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan) đạt 19,9 tỉ USD, tăng 16,6% so với cùng kì năm 2018, khá tương đồng với mức tăng trưởng trung bình cùng kì của nhập khẩu từ đối tác tiếng Trung trong giai đoạn 2009 - 2018 (16,83%).
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam đến nhóm các nước của thị trường này chỉ đạt 10 tỉ USD, giảm gần 10% so với cùng kì năm 2018. Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho biết đây cũng là quí I đầu tiên chứng kiến tăng trưởng âm kể từ năm 2009 đến nay.
Trong giai đoạn 2009 - 2018, mức tăng trưởng trung bình cùng kì của xuất khẩu sang thị trường tiếng Trung là 27,48%. Đối với khối thị trường tiếng Trung, Việt Nam luôn nhập siêu trong các quí I từ 2009 đến nay, giá trị xuất nhập khẩu đối với khối thị trường này bị chi phối nhiều bởi giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam đối với Trung Quốc.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực thị trường tiếng Trung tăng trưởng mạnh gồm dầu thô (102,19%); hóa chất (111,1%); clanhke và xi măng (126,8%)....
Trong khi, mặt hàng giảm mạnh gồm điện thoại các loại và linh kiện (62,4%); sắn và sản phẩm từ sắn đạt (12,7%); dây điện và dây cáp (34,4%).
Xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản trong năm 2019 xuất hiện những tín hiệu tích cực, nhưng sẽ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn như giá nhiều mặt hàng thủy sản giảm do cung vượt cầu; và phải cạnh tranh gay gắt từ các nước.
Bên cạnh đó, thị trường tiếng Trung ngày càng chú ý đến vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì sản phẩm, đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu xuất khẩu hàng nông thủy sản,… và thực hiện nghiêm các quy định hiện về các vấn đề này.
Nông thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường tiếng Trung (chủ yếu sang Trung Quốc) sẽ bị thu hẹp vì những quy định về bao bì và truy xuất nguồn gốc... nếu không đáp ứng được các yêu cầu mà thị trường Trung Quốc áp dụng tương tự như các thị trường xuất khẩu khác trên thế giới.