Lần đầu tiên có BCTC nhà nước: Công bố con số gần 7,8 triệu tỉ đồng tài sản
Gần 7,8 triệu tỷ đồng chưa phải là toàn bộ giá trị tài sản nhà nước
Báo cáo tài chính nhà nước của Chính phủ cho biết tổng tài sản của nhà nước tính tới cuối năm 2018 là gần 7,8 triệu tỷ đồng, tổng nợ nhà nước phải trả là hơn 3,15 triệu tỷ đồng, trong đó tiền lãi phải trả hàng năm khá lớn.
Thẩm tra báo cáo tài chính nhà nước, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đánh giá: Năm 2018 là năm đầu tiên lập báo cáo tài chính nhà nước nhưng Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan tài chính các cấp, hệ thống kho bạc nhà nước, các cơ quan, đơn vị khắc phục khó khăn để hoàn thành báo cáo trình Quốc hội.
“Đây là nỗ lực rất lớn, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc minh bạch thông tin và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính nhà nước", Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhận định.
Tuy nhiên do còn một số hạn chế, bất cập nên Ủy ban Tài chính ngân sách cho biết số liệu báo cáo tài chính nhà nước 2018 không thể bảo đảm chính xác.
Đồng thời báo cáo còn thiếu số liệu về giá trị kết cấu hạ tầng đường bộ do địa phương quản lý; thiếu tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa, thủy lợi, đê điều... do trung ương và địa phương quản lý. Đây là những tài sản có số lượng và giá trị lớn nhưng thiếu số liệu để tổng hợp.
Bên cạnh đó theo Uỷ ban Tài chính ngân sách, việc ghi nhận giá trị tài sản trong báo cáo tài chính nhà nước theo giá trị ghi trên sổ kế toán, chưa kiểm kê, đánh giá lại nên giá trị các tài sản không cùng mặt bằng giá, nhiều tài sản đã đưa vào sử dụng từ lâu, tính theo mặt bằng giá cách đây hàng chục năm được cộng cùng với giá trị của các tài sản mới đưa vào sử dụng nhất là giá trị quyền sử đất và tài sản cố định có giá trị lớn; đồng thời do chưa lập được báo cáo lưu chuyển tiền tệ nên báo cáo tài chính nhà nước chưa phản ánh được các luồng tiền trong hoạt động tài chính nhà nước.
Mặc dù đã rất nỗ lực, quyết tâm nhưng Uỷ ban cho rằng số liệu báo cáo tài chính nhà nước năm 2018 mới phản ánh được sơ lược tình hình, phản ánh được một phần tài sản và giá trị tài sản nhà nước.
Theo Uỷ ban Tài chính ngân sách, tài sản nhà nước chỉ phản ánh được 7.793.187 tỷ đồng không phải là toàn bộ giá trị tài sản nhà nước của quốc gia, chưa phản ánh được các luồng tiền của hoạt động tài chính nhà nước, một số chỉ tiêu còn chưa đầy đủ, chính xác… nên chỉ đáp ứng được phần nào mục tiêu minh bạch và quản lý, sử dụng hiệu quả tài chính nhà nước chưa cung cấp được toàn diện thông tin để phục vụ phân tích, ban hành chính sách, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước.
Áp lực trả nợ lớn, riêng tiền lãi phải trả là 104.971 tỉ đồng
Mặc dù chưa có đầy đủ dữ liệu để phân tích, đánh giá về tổng tài sản, các chỉ tiêu về tài sản, nguồn hình thành tài sản nhưng qua theo dõi và báo cáo của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách đã lưu ý một số vấn đề.
Cụ thể, về tài sản nhà nước: Tài sản của khối đơn vị hành chính sự nghiệp rất lớn với hơn 3,65 triệu tỷ đồng trong tổng tài sản nhà nước nhưng việc quản lý, sử dụng tài sản của khu vực này còn nhiều bất cập.
“Vì vậy, Chính phủ cần thực hiện các giải pháp để sắp xếp, quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài sản của khu vực này, kiên quyết thu hồi, điều chuyển đối với các tài sản, nhà đất không đúng tiêu chuẩn, định mức hoặc sử dụng lãng phí”, Uỷ ban Tài chính ngân sách lưu ý.
Bên cạnh đó, cơ quan của Quốc hội cũng cho rằng Chính phủ cần quan tâm đến một số chỉ tiêu của khối đơn vị hành chính sự nghiệp như khoản phải thu (thuộc mục tài sản ngắn hạn) lên tới 230.133 tỷ đồng, khoản phải trả ngắn hạn 347.313 tỷ đồng là khá cao so với tổng tài sản của khối (3.658.058 tỷ đồng) để tăng cường kiểm tra, kiểm soát.
Trong đó đáng lưu ý là khoản nợ dài hạn 8.935 tỷ đồng cần phải giám sát chặt chẽ vì khu vực này hoạt động không vì mục đích kinh doanh, nên việc vay để đầu tư không trả nợ được sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ công hoặc NSNN phải trả nợ thay.
Tài sản của DNNN hiện nay cũng có giá trị lớn ( hơn 1,55 triệu tỷ đồng) cho nên Chính phủ cần quyết liệt hơn để khắc phục hạn chế đã kéo dài nhiều năm như: Việc phê duyệt phương án cơ cấu lại các DNNN, tiến độ cổ phần hóa còn chậm; nhiều DN kinh doanh kém hiệu quả, mất an toàn tài chính…
Về nợ của Nhà nước, Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng: Năm 2018, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả để quản lý nợ công, nợ của Chính phủ nhờ đó giảm được áp lực trả nợ trong ngắn hạn, kiểm soát được nợ công, nợ Chính phủ dưới mức trần cho phép; tỷ trọng nợ trong nước tăng lên…
Tuy nhiên, nợ Nhà nước phải trả vẫn lớn với hơn 3,15 triệu tỷ đồng cho thấy áp lực trả nợ của Nhà nước khá cao. Trong đó, tiền lãi phải trả hàng năm khá lớn với 104.971 tỷ đồng bằng 68,5% bội chi NSNN năm 2018 trong điều kiện dư địa thu NSNN hạn hẹp, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế còn nhiều khó khăn.
Vì vậy để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng Chính phủ cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và lưu ý tới các rủi ro về nợ đang hiện hữu.