|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Làm thế nào để được công nhận “Thương hiệu Quốc gia”?

13:09 | 01/12/2016
Chia sẻ
Tối qua 30/11, lễ vinh danh 88 DN có nhãn hàng được công nhận “Thương hiệu Quốc gia” đã được tổ chức tại Hà Nội. Không ít người chưa hiểu “Thương hiệu Quốc gia” là gì và làm thế nào để được công nhận danh hiệu này.
lam the nao de duoc cong nhan thuong hieu quoc gia
Đại diện 88 DN đạt Thương hiệu Quốc gia 2016 gặp gỡ Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội ngày 30/11 (Ảnh: TTXVN)

Chương trình “Thương hiệu Quốc gia” (THQG) được Thủ tướng phê duyệt năm 2003, là chương trình xúc tiến thương mại của Chính phủ nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia thông quan thương hiệu sản phẩm.

Theo Cục Xúc tiến Thương mại (XTTM) - Bộ Công Thương, THQG không phải là một giải thưởng như nhiều người lầm tưởng. THQG cũng không dành cho doanh nghiệp, mà dành cho các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ. Có thể hiểu đơn giản, THQG công nhận Ống thép Hòa Phát là sản phẩm đạt THQG, chứ không phải là giải thưởng dành cho Tập đoàn Hòa Phát.

Đến nay, THQG được tổ chức 5 kỳ, định kỳ hai năm một lần từ năm 2008 đến nay, với số DN có sản phẩm, dịch vụ được công nhận liên tục tăng lên: 30 DN (2008), 30 DN (2008), 43 DN (năm 2010), 54 DN (năm 2012), 63 DN (năm 2014) và 88 DN (năm 2016).

Trao đổi với PV, ông Đỗ Kim Lang, Phó cục trưởng Cục XTTM cho biết: “Việc tham gia chương trình THQG là hoàn toàn miễn phí. Nhưng để được công nhận, DN phải trải qua một quá trình xét chọn rất nghiêm ngặt và chịu trách nhiệm giải trình tất cả các tiêu chí trước Hội đồng các ban chuyên gia và Hội đồng THQG”.

Cụ thể, bộ tiêu chí mà THQG đặt ra cho các sản phẩm, dịch vụ bao gồm:

(1) quy trình sản xuất và quản trị kinh doanh hiện đại, đáp ứng các yêu cầu, quy định của các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong từng thời kỳ;

(2) được sản xuất và cung ứng bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, sử dụng nguyên vật liệu trong nước, có khả năng xuất khẩu và thay thế sản phẩm nhập khẩu;

(3) chất lượng sản phẩm được đảm bảo bằng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và được công nhận theo các quy định pháp luật hiện hành;

(4) thiết kế và công năng sử dụng có tính ưu việt và sáng tạo;

(5) thương hiệu sản phẩm được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và được sở hữu bởi các doanh nghiệp, các tổ chức kinh doanh thành lập tại Việt Nam;

(6) có chiến lược xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, có bộ máy chuyên trách quản trị thương hiệu,

(7) chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường nội địa và trong kim ngạch xuất khẩu,

(8) được người tiêu dùng lựa chọn.

Bộ hồ sơ đăng ký của các DN bao gồm 23 biểu mẫu hồ sơ và tài liệu chứng thực, bao gồm: đăng ký sở hữu trí tuệ của sản phẩm; cam kết, chứng nhận thực hiện tốt nghĩa vụ thuế; bảo vệ môi trường; bảo hiểm xã hội đối với người lao động; chứng chỉ quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế…

Căn cứ hồ sơ DN cung cấp, Ban Thư ký chương trình THQG sẽ đánh giá sơ khảo và lựa chọn các bộ hồ sơ đủ điều kiện tham gia vòng thẩm định chung khảo.

Ở vòng chung khảo, Hội đồng các ban chuyên gia cùng các cơ quan chức năng (là đại diện các bộ, ngành liên quan) tái thẩm định hồ sơ thông quan hình thức làm việc với các cơ quan quản lý để xác minh (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Tổng cục Môi trường, Trung tâm Thông tin tín dụng, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam,…). Quy trình này bao gồm việc thẩm định thực tế tại các DN nếu cần thiết.

Theo một thành viên Hội đồng, năm nay Hội đồng đã tái thẩm định thực địa hàng chục DN để xác minh các tiêu chí được kê khai trong hồ sơ.

Tùy kết quả thẩm định, các chuyên gia và cơ quan chức năng sẽ đưa ra ý kiến. DN nào được đa số ý kiến tán thành sẽ được Ban Thư ký trình lên Hội đồng THQG phê duyệt.

Mỗi sản phẩm, dịch vụ đạt THQG được phép gắn biểu trưng chương trình và truyền thông quảng bá gắn với THQG trong hai năm. Kết thúc hai năm, các DN không gửi hồ sơ để tái thẩm hoặc tái thẩm nhưng không đạt sẽ không được công nhận THQG.

Thực tế, đã có không ít thương hiệu lâu đời “rớt đài” khỏi danh sách THQG vì nhiều lý do khác nhau. Ông Lang lấy ví dụ năm 2014, thương hiệu ống composite của Vinaconex đã nộp hồ sơ, nhưng vì các sự cố vỡ ống liên tiếp tại Hà Nội, công ty này đã phải rút lui.

So với năm 2014, danh sách các thương hiệu đạt THQG năm nay vắng bóng Trung Nguyên, vì lý do công ty này không nộp hồ sơ. Tương tự, Vietnam Airlines sau khi được công nhận THQG năm 2010 đã vắng bóng trong 3 kỳ THQG gần đây.

Nhiều thương hiệu quen thuộc khác từng được công nhận THQG nhưng không có tên trong danh sách 88 DN năm nay, như Techcombank, Sacombank, Thức ăn chăn nuôi Lái Thiêu.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoành San

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.