|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Làm sao để thúc đẩy sức mua trên thị trường nội địa?

15:33 | 05/05/2019
Chia sẻ
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), trong tháng 4 thị trường trong nước tiếp tục được duy trì ổn định và các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường.
Làm sao để thúc đẩy sức mua trên thị trường nội địa? - Ảnh 1.

Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng cao nhất kể từ năm 2015 trở về đây. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Theo Bộ Công Thương, từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ phối hợp cùng ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại nội địa để góp phần thúc đẩy tiêu thụ và sức mua trên thị trường.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), trong tháng 4 thị trường trong nước tiếp tục được duy trì ổn định và các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường.

Mặc dù chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như giá nguyên liệu trên thị trường thế giới, dịch bệnh, mùa vụ… nhưng cơ bản, cung cầu các mặt hàng được bảo đảm, giá có sự tăng, giảm đan xen đối với từng nhóm hàng.

Các mặt hàng thépxi măng sau khi được điều chỉnh tăng giá vào cuối tháng 3 (do giá điện tăng 8,36% từ ngày 20 tháng 3 năm 2019), giá bán được giữ ổn định trong tháng 4.

Giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống có xu hướng ổn định, riêng giá lợn hơi có xu hướng tăng vào đầu tháng trên cả nước nhưng đã giảm liên tiếp trong nửa cuối tháng 4 và giảm mạnh nhất tại các tỉnh phía Bắc.

Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý e ngại của người dân về việc dịch tả lợn châu Phi và thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng thịt lợn giảm.

Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 đạt 399.961 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước; trong đó nhóm tăng cao là đồ dùng, thiết bị gia đình, dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành (tăng 2 – 3,1%) do đang giai đoạn chuyển sang mùa nóng nhu cầu các mặt hàng thiết bị làm mát tăng, nhu cầu du lịch, khách sạn, ăn uống tăng trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ và 30/4, 1/5.

Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng cao nhất kể từ năm 2015 trở về đây, đạt 1.583,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9%).

Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng các năm 2015-2018 lần lượt là: 10,7%; 10%; 10%; 11,3%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đạt 1.215,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,8% tổng mức và tăng khá với mức tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 14%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12,9%; may mặc tăng 12,4%; phương tiện đi lại tăng 11,1%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 10,7%.

Ngoài ra, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 187,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,8% tổng mức và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu du lịch lữ hành đạt 14,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác đạt 165,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng mức và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo Vụ Thị trường trong nước, các tháng tiếp theo sẽ bắt đầu vào mùa nắng nóng nên nhu cầu các mặt hàng làm mát tăng và mức tiêu thụ điện năng, nước sinh hoạt tăng khiến giá bình quân các nhóm hàng này dự báo sẽ tăng.

Cùng với đó, giá các nhóm hàng nhiên liệu năng lượng vẫn trong xu hướng tăng trước những diễn biến chính trị căng thẳng giữa các nước kinh doanh, xuất khẩu dầu mỏ.

Do chuẩn bị vào mùa nghỉ hè nên nhu cầu các dịch vụ du lịch, khách sạn, ăn uống tăng nên giá các dịch vụ này có thể tăng.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, một số nhóm hàng có xu hướng giảm hoặc giá thấp như:: đường, thịt lợn, phân bón… sẽ góp phần ổn định giá thị trường nói chung và không có biến động lớn.

Trong các nhóm hàng giảm giá, đáng chú ý, mặt hàng thịt lợn dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, do đó cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp ngăn chặn dịch, không để dịch tái diễn hoặc lây lan để nhanh chóng ổn định thị trường thịt lợn.

Ngoài ra, để đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá mặt hàng thịt lợn trong các tháng cuối năm và khi dịch bệnh đã được khống chế, các doanh nghiệp thu mua, chế biến, phân phối có kế hoạch dự trữ nguồn hàng an toàn (tại các vùng không có dịch), ký kết hợp đồng tiêu thụ sớm để bình ổn thị trường thực phẩm.

Đặc biệt, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng thiết yếu; đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá và việc chấp hành theo quy định của pháp luật về quản lý giá.

Việc nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, tích cực ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng được Bộ chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện.

Uyên Hương

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.