|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lạm phát năng lượng và thực phẩm tăng, Việt Nam chịu ảnh hưởng ít hay nhiều hơn các nước trong khu vực?

18:52 | 14/06/2022
Chia sẻ
HSBC vừa đưa ra bức tranh toàn cảnh về rủi ro lạm phát cũng như mức độ ảnh hưởng của giá năng lượng, thực phẩm tăng đến các nền kinh tế ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Lạm phát toàn phần của Việt Nam dự báo thấp thứ hai trong khu vực

Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng HSBC cho biết sau khi giá nhiên liệu tăng, giờ tới giá thực phẩm trở thành nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro lạm phát cho các nền kinh tế ASEAN, không chỉ với các nước hay nhập khẩu.

Theo ước tính của tổ chức này, lạm phát cơ bản của Philippines, Indonesia và Malaysia đặc biệt dễ ảnh hưởng do lạm phát năng lượng và thực phẩm tăng, Thái Lan và Việt Nam thì đỡ hơn.

HSBC cũng điều chỉnh dự báo CPI cả năm cho hầu hết các nền kinh tế ASEAN, cụ thể, nâng mức dự báo năm 2022 với Thái Lan, Singapore, Indonesia và Philippines, đồng thời giảm nhẹ mức dự báo năm 2022 với Việt Nam do giá thực phẩm trong nước ổn định nhiều khả năng sẽ giúp kiềm chế lạm phát toàn phần.

Cụ thể Việt Nam được dự báo lạm phát toàn phần ở mức 3,5% năm nay, thấp thứ hai trong nhóm 5 nền kinh tế lớn ASEAN. Thái Lan được dự báo cao nhất đạt 5,2%. Malaysia thấp nhất với 3,2%.

 

 

Giá năng lượng đang tăng mạnh nhất ở nước nào?

HSBC nhận định năng lượng là nguyên nhân chính và đây không phải một tin vui với các nước trong khối khu vực.  

Bởi ngoại từ Malaysia và Indonesia (xét về khí đốt tự nhiên và than đá), các nền kinh tế còn lại đều là những quốc gia nhập khẩu ròng năng lượng.

Cả Philippines và Thái Lan đều đặc biệt dễ bị ảnh hưởng trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao, thể hiện rất rõ trong số liệu CPI gần đây của hai nước này.

Giá dầu tăng khiến lạm phát toàn phần của Philippines và Thái Lan cao hơn khá nhiều so với mục tiêu của ngân hàng trung ương hai nước này đặt ra.

 

Tỷ trọng các yếu tố liên quan đến năng lượng trong rổ CPI của Malaysia và Indonesia cũng cao hơn, ví dụ như chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, mức độ tác động của năng lượng lại không đồng đều, tùy thuộc vào sự điều chỉnh giá của mỗi nước và/hoặc mức thuế áp lên nhiên liệu.

Báo cáo cho biết tính đến nay, Thái Lan là nước phải đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng mạnh nhất, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.

 

 

Còn ở Việt Nam, theo HSBC, lạm phát giá năng lượng cũng đã kéo dài được một thời gian. Giá vận tải tăng cao kỷ lục, vượt qua lạm phát thực phẩm để trở thành động lực chính thúc đẩy lạm phát toàn phần của Việt Nam.

Bên cạnh giá dầu thế giới tăng, nguồn cung xăng dầu trong nước thiếu hụt càng khiến tình trạng khan hiếm năng lượng của Việt Nam nghiêm trọng hơn.

Từ tháng 1 năm nay, nhà máy lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam - Lọc hoá dầu Nghi Sơn đã giảm công suất và gần như không hoạt động vào tháng 2, trước khi nâng công suất lên khoảng 80% vào tháng 3.

Tình hình này buộc các cơ quan chức năng phải tìm kiếm nguồn thay thế nhằm giảm nhẹ áp lực năng lượng. Chính phủ Việt Nam cam kết nhập thêm 2,4 triệu mét khối xăng trong quý II, được thể hiện trong số liệu nhập khẩu của Việt Nam tăng lên.

Trong khi đó, kể từ 1/4, Chính phủ cũng đã cắt giảm thuế bảo vệ môi trường, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại thuế phí đánh vào nhiên liệu, xuống 2.000 đồng đối với xăng và 700-1.000 đồng đối với các loại nhiên liệu khác.

Bất chấp giá năng lượng tăng lên, lạm phát thực phẩm ở mức vừa phải, vốn chiếm tỷ trọng lớn hơn trong rổ CPI, đã giúp Việt Nam kiểm soát mức tăng chung của lạm phát toàn phần tính tới thời điểm này.

Ở Indonesia, lạm phát năng lượng đã tăng đều đặn từ đầu năm 2022, tốc độ tăng đạt 4% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 4. Còn Malaysia, tới thời điểm này đã kiểm soát tốt hơn lạm phát giá năng lượng nhờ hiệu ứng cơ sở thuận lợi và kiểm soát giá. 

Ở Philippines, CPI đối với điện, khí đốt và các nhiên liệu khác đã tăng ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước kể từ tháng 8/2021, với mức lạm phát tăng lên 20% trong tháng 4 năm nay 

Khu vực ASEAN đối mặt rủi ro lớn hơn khi giá thực phẩm tăng

Các chuyên gia của HSBC nhận định trong khi giá năng lượng tăng lên là động lực chính thúc đẩy lạm phát ở hầu hết các thị trường ASEAN trong vài tháng đầu năm 2022, rủi ro lớn hơn bây giờ lại xuất phát từ giá thực phẩm tăng tại các thị trường khác trên thế giới. 

"Gần như toàn bộ các hạng mục giá thực phẩm toàn cầu đều tăng mạnh từ đầu năm 2022, đặc biệt là dầu ăn", báo cáo cho biết.

Ấn Độ, nước sản xuất bột mì lớn thứ hai trên thế giới, đã triển khai cấm xuất khẩu bột mì từ trung tuần tháng 5 khiến giá bột mì ngay lập tức tăng thêm 7% và đồng thời áp dụng giới hạn trần xuất khẩu đường. Tương tự, Indonesia, nước sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, gần đây cũng đã triển khai cấm xuất khẩu dầu cọ trong ba tuần, còn Malaysia hạn chế xuất khẩu gà.

Điều may mắn là mặt hàng gạo – thực phẩm chính của các nước thuộc khối ASEAN chỉ mới tăng nhẹ từ đầu năm 2022 và vẫn duy trì thấp hơn mức đỉnh của năm 2021.

HSBC nhận định đây thực sự là tin tốt cho khu vực ASEAN, đặc biệt với Indonesia, Philippines và Malaysia là những nước nhập khẩu ròng gạo lớn.

Mặc dù vậy, điều này cũng không đủ bù đắp cho những tác động trên diện rộng do giá tăng ở các mặt hàng thực phẩm khác, và với việc thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong rổ CPI ở nhiều nền kinh tế, đặc biệt như Philippines và Việt Nam, lạm phát toàn phần chắc chắn sẽ tăng lên nữa.

 

Tất cả các nền kinh tế đều trải qua tình trạng giá thực phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước, với mức lạm phát thực phẩm ở Thái Lan và Indonesia lên mức 5% so với cùng kỳ năm trước. Ở Thái Lan, giá thịt cũng tiếp tục tăng, chủ yếu là do gián đoạn sản xuất thịt heo trong nước vì dịch tả heo châu Phi, đẩy giá các loạt thịt khác lên, ví dụ như thịt gà.

HSBC cho rằng nếu so sánh thì tình hình ở Việt Nam lại tốt hơn trong bối cảnh sản xuất thực phẩm chính yếu trong nước tương đối ổn định ở thời điểm hiện tại, nhưng ngay cả ở đây cũng diễn ra tình trạng giá năng lượng tăng và giá thực phẩm thế giới cao lên có thể đẩy các chi phí trong nước lên theo.

 

Tuy nhiên, HSBC cho rằng vấn đề đáng quan tâm là mức độ ảnh hưởng của nhóm hàng năng lượng và thực phẩm lên nhóm hàng cơ bản.

Theo ước tính của tổ chức này, mức độ ảnh hưởng ở các nước ASEAN là không đồng đều, trong đó, Philippines là chịu ảnh hưởng nhiều nhất, sau đó tới Malaysia và Indonesia, còn ở Việt Nam và Thái Lan thì ảnh hưởng lại hạn chế.

Ngoại trừ ở Singapore, lạm phát cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát, dao động xung quanh hoặc xuống dưới mức giữa mục tiêu lạm phát hoặc mức dự báo của ngân hàng trung ương. Mức độ gia tăng áp lực giá các mặt hàng cơ bản sẽ phụ thuộc một phần vào sự phục hồi của thị trường lao động mỗi nước.

Nhờ Chương trình Hỗ trợ Việc làm hào phóng, cung cấp hỗ trợ trực tiếp để người lao động duy trì việc làm, Singapore đi đầu trong khu vực với một thị trường lao động thắt chặt. Tỷ lệ thất nghiệp quý I giảm xuống dưới mức trước đại dịch với mức tăng trưởng lương gần đạt 8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn đáng kể so với trước đây.

Tuy nhiên, các nước còn lại trong khu vực mới chỉ đang chứng kiến sự phục hồi bước đầu của thị trường việc làm – tỷ lệ thất nghiệp ở các nước này vẫn cao hơn so với mức trước đại dịch.

Mặc dù vậy, tình hình này có thể thay đổi nhanh chóng và rủi ro từ việc thắt chặt thị trường lao động nhiều khả năng sẽ hữu hình hơn khi các nước ASEAN đã sẵn sàng hưởng lợi sau khi mở cửa hoàn toàn trở lại.

Ở Indonesia, Việt Nam, Singapore và Philippines, các chỉ số lao động mới nhất trong thống kê PMI ngành sản xuất đã đạt ngưỡng mở rộng và vượt mức trước đại dịch.

Trong khi đó, khi các biện pháp hạn chế phòng chống dịch trong nước dần được gỡ bỏ, tình hình việc làm trong ngành dịch vụ, chiếm phần lớn trong các công việc ở ASEAN, cũng sẽ liên tục được cải thiện. Điều này nhiều khả năng sẽ dẫn tới áp lực ngược lên lương và lạm phát cơ bản trong những quý tới.

Việt Nam dự báo tăng trưởng cao hơn nhiều nước

HSBC nhấn mạnh ASEAN sẽ không tránh được tác động của giá cả tăng lên. Dù vậy tổ chức này cho rằng ASEAN vẫn đang trên đà phục hồi kinh tế đầy hứa hẹn nhờ các nước dần gỡ bớt những biện pháp hạn chế phòng dịch. Nhu cầu nội địa cũng có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, chỉ số phản ánh khả năng đi lại của người dân đã vượt mức trước đại dịch, đặc biệt ở Indonesia và Philippines. 

Trong bối cảnh đó, bất chấp những khó khăn trong thương mại toàn cầu, xuất khẩu hàng hóa từ một số nền kinh tế ASEAN nhiều khả năng vẫn trụ vững, ví dụ như Indonesia và Malaysia sẽ hưởng lợi đáng kể khi giá hàng hóa tăng, còn Singapore, Malaysia và Việt Nam tiếp tục có thể tận dụng động lực mạnh mẽ, dù ở mức vừa phải, từ chu kỳ công nghệ kéo dài.

Ngoài ra, việc mở cửa hoàn toàn không chỉ thu hút khách du lịch trở lại ASEAN mà còn hỗ trợ đi lại giao thương và đầu tư xuyên biên giới. 

 

Nói riêng về Việt Nam, HSBC cho biết Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng theo kịp tiến độ bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Trong khi lạm phát hiện tại vẫn ở dưới mục tiêu 4% của NHNN, HSBC dự báo tình trạng giá năng lượng cao còn kéo dài sẽ tiếp tục đẩy giá cả nói chung lên, nhiều khả năng sẽ có lúc vượt qua trần 4% của NHNN trong nửa sau của năm 2022 nhưng chỉ là tạm thời.

Tình hình đó, theo HSBC, có thể sẽ khiến NHNN phải điều chỉnh lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý III trước khi tăng lãi suất ba lần mỗi lần 25 điểm cơ bản trong năm 2023.

 

Về dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay, Việt Nam được kỳ vọng tăng 6,2%, cao hơn Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore và thấp hơn mức 6,5% của Philippines. HSBC cho rằng nhờ xuất khẩu ấn tượng và tiêu dùng cá nhân phục hồi, Việt Nam chắc chắn lấy lại mức tăng trưởng như trước đại dịch.

 

Anh Đào