Lãi vay tiêu dùng cao ngất ngưởng
Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát hoạt động cho vay tiêu dùng ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Gấp 4 lần ngân hàng
Thủ tục đơn giản, xét duyệt hồ sơ vay tiền mua hàng trả góp của các công ty tài chính (CTTC) khá nhanh chóng. Vì vậy, trong cuộc chiến chống tín dụng đen hiện nay, các chuyên gia kinh tế và bản thân Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đều kỳ vọng đây sẽ là “cánh tay nối dài” của hệ thống nhà băng.
|
Trong khi biên lợi nhuận của ngân hàng tối thiểu chỉ ở mức 2% thì của CTTC tiêu dùng lên đến 20% là quá cao. Nếu lãi suất cho vay tiêu dùng của các doanh nghiệp có thể kéo xuống phổ biến ở mức 30 - 40% thì chắc chắn sẽ có thêm nhiều khách hàng hơn. Từ đó sẽ góp phần làm giảm được hoạt động tín dụng đen ở nhiều tỉnh thành.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu
Tuy nhiên, lãi suất và phí của các công ty này như một “ma trận” dễ làm hoa mắt người dùng. Ví dụ, nếu mua một điện thoại có giá 22,99 triệu đồng tại một siêu thị ở TP.HCM, chúng tôi được nhân viên Công ty H.C cho biết nếu vay trong thời gian 1 năm thì phải trả trước 40%, tương ứng 9.196.000 đồng.
Số tiền trả góp mỗi tháng là 1.508.500 đồng, bao gồm tiền gốc và lãi là 1.413.000 đồng, kèm 11.000 đồng phí thu hộ và 84.500 đồng phí bảo hiểm. Tổng cộng số tiền phải đóng sau 12 tháng sẽ lên mức 27.298.000 đồng, cao hơn số tiền gốc là 4.308.000 đồng.
Theo giải thích của nhân viên, mức lãi hằng tháng khách hàng phải trả tương ứng 3,33%/tháng. Lãi suất này tương ứng gần 40%/năm. Bên cạnh đó, mức lãi suất cho vay tiền mặt của H.C cũng từ 2,11 - 4,64%/tháng, tương đương trên 25 - 55%/năm tùy thuộc vào khoản vay và thời gian trả.
Hay cũng với sản phẩm điện thoại có giá trị như trên, nếu vay của một công ty tài chính khác trong thời gian 9 tháng thì lãi suất cao hơn là 4,58%/tháng, tương đương 55%/năm. Quy ra mỗi tháng, khách hàng sẽ phải đóng 1.874.000 đồng. Tổng cộng sau khi trả xong, số lãi phải trả gần 6,4 triệu đồng. Mức lãi suất thấp hơn chỉ khoảng 35%/năm, tương đương 2,92%/tháng sẽ dành cho khách hàng cung cấp thêm hóa đơn điện hoặc hóa đơn nước cùng với chứng minh nhân dân và hộ khẩu.
Hiện nay, VN có khoảng 16 CTTC tập trung cho vay tiêu dùng mua hàng trả góp ở các cửa hàng kinh doanh điện thoại, xe máy, hàng điện tử gia dụng... Theo kết quả khảo sát của NHNN thực hiện tại 7 địa phương về hoạt động cho vay tín dụng tiêu dùng, mức lãi suất phổ biến mà các công ty này áp dụng từ 40 - 50%/năm, một số trường hợp lãi suất cho vay lên đến 85%/năm tùy theo sản phẩm.
Lãi, phí, phạt... bủa vây
Tình trạng cho vay lãi suất cao, kiểu đòi nợ không văn minh của các CTTC đã được phản ánh nhiều.
Năm 2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cũng liên tiếp cảnh báo và nhận định, trong khi lãi suất cho vay mua hàng trả góp của các ngân hàng thương mại trung bình từ 20 - 25%/năm, thì mức lãi suất của các CTTC từ 55 đến trên 84%/năm. Đáng nói là chuyện mập mờ lãi, phí.
Nhân viên tư vấn cam kết mức lãi suất chỉ từ 1 - 2%/tháng nhưng thực tế lãi suất trên hợp đồng lên đến hơn 6%/tháng… Số lượng khiếu nại mà cơ quan này nhận được chủ yếu tập trung vào nhóm CTTC như cung cấp thông tin không chính xác, rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Ngân hàng triển khai các giải pháp đẩy lùi tín dụng đen Ngân hàng cho vay 'nóng'? Hiến kế ‘diệt’ tín dụng đen
Đánh giá vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng cho hay cơ quan này sẽ rà soát lại mức lãi suất vay của các CTTC đã phù hợp chưa. Khi đó sẽ có sự điều chỉnh chính sách phù hợp trong thời gian tới. Ngoài lãi suất vay, vấn đề quan trọng là các CTTC có công khai, minh bạch lãi suất hay không, trong quá trình tư vấn khách hàng biết hay không về mức lãi suất này. Đồng thời, NHNN cũng sẽ xem xét đến hình thức đòi nợ của các CTTC.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Hội đồng thành viên Công ty luật Basico, cho rằng mức lãi suất hơn 80% mà các CTTC đang cho vay là quá cao. Đáng nói, các cá nhân, doanh nghiệp khác nếu cho vay với mức lãi suất này đều gọi là “tín dụng đen” thì tại sao CTTC lại được phép? Đó là chưa kể trong trường hợp khách hàng bị phạt trả chậm, lãi suất có khi vượt quá 100%/năm.