Lãi suất huy động tiếp tục giảm sau động thái hạ lãi suất điều hành của NHNN
Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần 16/3- 20/3 của Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research, trong tuần qua chỉ có một lượng tiền nhỏ (1,05 tỉ đồng) được bơm ra thông qua giao dịch mua kì hạn 7 ngày.
NHNN ngừng phát hành tín phiếu trong gần hai tuần trở lại đây sau khi đã liên tục hút ròng qua kênh này trong 6 tuần trước đó. Hiện số dư tín phiếu duy trì ở mức 147 nghìn tỉ đồng.
Cùng với đó, NHNN giảm một loạt các lãi suất điều hành kể từ 17/3 gồm: lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay thanh toán bù trừ liên ngân hàng giảm 100bps; lãi suất OMO, lãi suất cho vay tái chiết khấu giảm 50bps; trần lãi suất huy động các kì hạn dưới 6 tháng giảm từ 25-30bps; trần lãi suất cho vay ngắn hạn với 6 ngành ưu tiên giảm 50bps; tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc 20bps.
Theo SSI Research, động thái này là phù hợp trong bối cảnh hàng loạt các NHTW trên thế giới đã giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế trước nguy cơ suy thoái do đại dịch COVID-19. Tuy vậy, trong bối cảnh nhiều hoạt động kinh tế đang đình trệ, hiệu lực kích thích của nới lỏng tiền tệ là khá hạn chế.
Thêm vào đó, sự tác động của lãi suất điều hành ở Việt Nam tới lãi suất thị trường không nhiều và có độ trễ lớn.
SSI Research cho rằng chỉ có qui định về hạ trần lãi suất huy động, cho vay ngắn hạn và tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc là có tác động nhanh và trực tiếp đến hệ thống ngân hàng, giúp các NHTM có thêm nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp cầm cự qua giai đoạn khó khăn hiện tại.
Trừ một số Ngân hàng thương mại (NHTM) lớn vốn đã mặt bằng lãi suất thấp là không ghi nhận điều chỉnh, hầu hết các NHTM khác đều giảm lãi suất huy động kì hạn 1 đến dưới 6 tháng từ mức trần cũ 5%/năm xuống mức trần mới 4,75%/năm.
Các kì hạn dài hơn cũng được điều chỉnh giảm 20-30bps ở nhiều ngân hàng. Hiện tại, kì hạn 6 đến dưới 12 tháng nằm phổ biến trong khoảng 5.3-6.8%/năm và kì hạn 12-13 tháng là từ 6,4%-7,3%/năm. Diễn biến này tiếp nối xu hướng giảm tuần trước đó.