Lãi suất huy động đang nhích lên
Theo các chuyên gia tài chính, đây có thể được xem là động thái đón bắt của ngân hàng. Nguyên nhân cuối năm, nhu cầu gửi tiền tiết kiệm thường tăng mạnh do đây là thời điểm các doanh nghiệp hay người dân thu về tiền lãi, tiền thưởng tết… Theo đó, số tiền vất vả kiếm được sau 1 năm làm việc sẽ được doanh nghiệp, cá nhân tích cóp để dành tiết kiệm như lộc của năm.
Anh Thăng Long, ngụ tại quận 9 (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Năm nào cũng vậy, công ty của tôi cũng thưởng tết gấp 3 lần lương. Số tiền thưởng Tết cộng với lương cuối năm, tôi chỉ dành 1 nửa để mua sắm chi tiêu trong dịp Tết, phần còn lại gửi tiết kiệm ngân hàng. Nhờ vậy, số tiền tích cóp của gia đình tôi giờ đã lên con số vài tỷ đồng. Dự kiến sang năm, tôi sẽ mua một căn hộ mới rộng hơn từ số tiền tích cóp được” .
Nhằm hút tiền gửi cũng như hạn chế "làn sóng" rút tiền trong dịp Tết, các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động từ 0,2 - 0,4%.
Có thể thấy, hiện các ngân hàng đang niêm yết lãi suất kỳ hạn 1 năm từ 6,6% - 7,5% tuỳ ngân hàng cùng với rất nhiều quà tặng hấp dẫn, từ hiện vật đến vàng. Ngoài ra, lãi suất huy động ngắn hạn cũng tăng nhẹ. Điển hình, ngân hàng Eximbank đang áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ ngày 5/1 với mức tăng từ 0,1-0,2%. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn một tháng (lĩnh lãi cuối kỳ) tăng lên 4,6%/năm, 3 tháng lên 5%/năm và 6 tháng là 5,6%/năm.
Sacombank cũng điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,1 - 0,3%/năm ở một số kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn 2 tháng tăng từ 4,9% lên 5%; kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng tăng từ 5,9% lên 6%/năm. Riêng sản phẩm tiết kiệm Tích tài, ngân hàng tăng lãi suất 6 tháng và 9 tháng từ 5,2 - 5,3% lên 5,5%/năm.
Tại VPBank, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tăng từ 4,9%/năm lên 5,2%/năm, kỳ hạn 12 và 13 tháng tăng từ 6,5% lên 6,9%/năm. Ngoài ra, ngân hàng này còn cộng thêm lãi suất với khoản gửi online, mức lãi suất online cao nhất hiện là 8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng và các khoản tiền trên 5 tỷ đồng...
Trước đó, thị trường cũng ghi nhận việc điều chỉnh lãi suất của hàng loạt ngân hàng khác như: TPBank, Techcombank, PVcomBank..., với mức tăng thêm 0,1-0,3% mỗi năm cho một số kỳ hạn ngắn.
Nhận định vấn đề này, đại diện NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh nhu cầu vay vốn để mua hàng hóa Tết, trả lương, thưởng hay mua sắm, sửa sang nhà cửa trong dịp Tết thì nhu cầu rút tiền gửi cho mục đích trên cũng tương tự. Chính vì vậy, động thái tăng lãi suất huy động của một số ngân hàng nhằm giữ chân khách hàng cũ hay hạn chế làn sóng rút vốn, đồng thời thu hút người dân gửi tiền. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, động thái này chỉ mang tính chất thời vụ trong dịp Tết.