|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lãi ròng Dệt may Thành Công tăng 150% trong tháng 4 nhờ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng và các hiệp định thương mại

09:41 | 20/05/2021
Chia sẻ
Việc tận dụng tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại được Việt Nam ký kết đã giúp Thành Công ghi nhận mức lãi ròng 19 tỷ đồng trong tháng 4/2021, tăng gần 150% so với cùng kỳ.

CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (mã: TCM) vừa công bố kết quả hoạt động kinh doanh trong tháng 4 với mức doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 322 tỷ đồng và 19 tỷ đồng, tương ứng mức tăng gần 49% và gần 150% so với tháng 4/2020.

Trước đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu thuần đạt 946 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 62 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với quý I/2020.

Lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Diệt may Thành Công lần lượt là 1.268 tỷ đồng và 81 tỷ đồng, tăng lần lượt hơn 26% và gần 97% so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành 30% chỉ tiêu doanh thu và 28% kế hoạch lợi nhuận sau thuế đã đề ra cho cả năm 2021.

Dệt may Thành Công báo lãi ròng tháng 4 tăng tăng gần 150% so với cùng kỳ - Ảnh 1.

Nguồn: Quốc Anh tổng hợp từ báo cáo tài chính của Dệt may Thành Công.

Xét về cơ cấu sản phẩm, các sản phẩm may mặc đóng góp hơn 72% vào tổng doanh thu trong tháng 4 của doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng cao nhất. Tuy nhiên, cơ cấu sản phẩm theo doanh thu của Dệt may Thành Công có sự dịch chuyển nhẹ từ sản phẩm may mặc sang vải và sợi. Theo đó, tỷ trọng vải và sợi tăng nhẹ lần lượt 2% và 1%.

Tính chung trong tháng 4, tỷ trọng doanh thu ngành may trong cơ cấu sản phẩm đã hồi phục, nhưng tỷ trọng vải lại giảm 5%. Lý do dẫn đến điều này là vì Thành Công đã không còn nhận đơn hàng vải kháng khuẩn từ thị trường Mỹ.

Thay vào đó, doanh nghiệp tập trung khai thác các thị trường xuất khẩu truyền thống cũng như tận dụng ưu thế từ Hiệp định thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng để đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dệt, may của Việt Nam trong tháng 4 đạt hơn 2,3 tỷ USD, tăng 42% so với tháng 4/2020. Bốn tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu xơ sợi và dệt may đạt 256.732 tỷ đồng, trong đó hàng xơ sợi ghi nhận mức tăng 43% còn hàng dệt may đạt mức tăng 9% so với cùng kỳ.

Cũng theo Tổng cụ Thống kê, toàn ngành dệt may Việt Nam đã có sự khởi sắc rõ rệt so với năm 2020. Nguyên nhân thúc đẩy sự tăng trưởng này đến từ việc phục hồi nhu cầu ở một số thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam cộng hưởng với các tác động của Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết.

Kết quả kinh doanh có lãi cũng giúp giá cổ phiếu của Dệt may Thành Công tăng lên trong năm nay. Theo đó, mức giá đóng cửa ngày 19/5 của mã cổ phiếu TCM là 99.700 đồng/cp, cao gấp 5,5 lần mức giá vào ngày 2/1/2020.

Dệt may Thành Công báo lãi ròng tháng 4 tăng tăng gần 150% so với cùng kỳ - Ảnh 2.

Giá cổ phiếu của Thành Công. (Nguồn: Tradingview.com)

Quốc Anh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.