|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông lớn sản xuất thuốc kháng sinh gặp khó do giá nguyên liệu tăng cao và nhà máy tiếp tục chậm tiến độ

08:00 | 20/05/2021
Chia sẻ
Động lực tăng trưởng Dược phẩm Imexpharm trong năm 2021 được dự báo suy giảm do sự trì hoãn kéo dài của nhà máy EU-GMP và giá nguyên liệu đầu vào tăng trở lại, theo dự báo của SSI.
Ông lớn sản xuất thuốc kháng sinh gặp khó do giá nguyên liệu tăng cao và nhà máy tiếp tục chậm tiến độ - Ảnh 1.

Nhà máy Imexpharm. (Ảnh: IMP).

Chứng khoán SSI ra báo cáo đánh giá triển vọng kinh doanh năm 2021 của CTCP Dược phẩm Imexpharm (mã: IMP) với nhận định các động lực tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng khi nhà máy IPM 4 chưa thể đưa vào vận hành trong năm nay, giá nguyên liệu dược phẩm tăng và rủi ro từ các đợt tái bùng phát dịch trong nước.

Nhà máy IMP 4 chậm tiến độ

SSI dự báo nhà máy IMP 4 của có thể chưa hoàn thành và đóng góp doanh thu cho tới 2023, lâu hơn rất nhiều so với kế hoạch ban đầu của công ty tháng 6/2021. Nguyên nhân của sự chậm trễ này có thể do thiếu nguồn nhân lực tại Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) để cung cấp dịch vụ đánh giá EU-GMP tại nước ngoài, bởi cơ quan này đang phải tập trung phần lớn nhân sự để theo dõi tiến độ tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại các nước thành viên.

Ngoài ra, việc các quốc gia châu Âu hạn chế nhập cảnh và ngừng các chuyến bay không thiết yếu do lo ngại biến thể COVID-19 mới cũng gây khó khăn cho IMP 4 trong việc xin cấp phép tiêu chuẩn EU - GMP.

SSI đánh giá, mặc dù các nước trên thế giới đang tiến hành tiêm chủng trên diện rộng, song tiến độ tiêm chủng còn khá chậm và khả năng nối lại việc phê duyệt EU-GMP tại Việt Nam vào 2021 hoặc 2022 là khá thấp.

Giá nguyên liệu tăng và doanh thu bán lẻ kênh nhà thuốc chậm lại

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, lãnh đạo Dược phẩm Imexpharm tiếp tục nhấn mạnh quan ngại về giá nguyên liệu dược phẩm (API) tăng trong quý I/2021, do khan hiếm nguồn cung từ Ấn Độ (nhà sản xuất API lớn thứ hai thế giới) vì ảnh hưởng của đại dịch.

Do IMP vẫn còn đủ tồn kho trong ba tháng, nên theo đánh giá của SSI, tác động từ giá nguyên liệu tăng sẽ xuất hiện vào nửa cuối năm 2021.

Bên cạnh đó, việc thắt chặt quy định và doanh thu thuốc kháng sinh tại kênh nhà thuốc giảm cũng sẽ khiến tăng trưởng trong ngắn hạn của Imexpharm chậm lại.

Gần đây, lãnh đạo công ty đã quyết định chuyển hầu hết các sản phẩm kháng sinh sang đấu thầu tại kênh bệnh viện, trong khi thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) thực phẩm chức năng mới để thay đổi danh mục sản phẩm bán tại kênh nhà thuốc.

Công ty cũng kết thúc hợp đồng phân phối lớn với Sandoz sớm hơn hai năm so với ước tính trước đó, do đó doanh thu hàng thương mại cũng giảm trong ngắn hạn.

Tăng trưởng doanh thu đi lùi trong quý I

Trong tháng 1/2021, mặc dù tổng doanh thu của Imexpharm tăng 74% so với cùng kỳ, song doanh thu từ tháng 2 bắt đầu chậm lại do làn sóng COVID-19 thứ ba tại Việt Nam. Điều này dẫn đến tổng doanh thu quý I/2021 của công ty giảm 2% so với cùng kỳ.

Ban lãnh đạo công ty cho biết nguyên nhân khiến tăng trưởng doanh thu giảm trong kỳ là do quý I năm trước người dân tăng tích trữ thuốc kháng sinh và thuốc hạ sốt, nhưng điều này không xảy ra trong quý I năm nay.

Ngoài ea, doanh thu giảm trong kỳ cũng do hàng thương mại giảm 81% vì kết thúc hợp đồng với Sandoz. Mặc dù vậy, Imexpharm ước tính tăng trưởng doanh thu phục hồi trở lại vào nửa cuối năm 2021, khi tác động của đại dịch đến hoạt động bán hàng ít hơn và công ty được hưởng lợi từ mùa cao điểm đấu thầu thuốc bệnh viện trong quý III và quý IV.

Năm 2021, SSI dự báo doanh thu và lãi ròng của Imexpharm lần lượt đạt 1.720 tỷ đồng và 265 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 22% và 26% so với thực hiện 2020. Dự phóng này của SSI cao hơn nhiều so với kế hoạch ban lãnh đạo Imexpharm đề ra, đó là 1.580 tỷ đồng doanh thu và 290 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt tăng 11% và 14% so với năm trước đó.

Thiên Trường