|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các quỹ ETF ngoại

18:40 | 20/03/2022
Chia sẻ
Từ ngày mai (21/3), danh mục chỉ số mới của các quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục) ngoại bắt đầu có hiệu lực.
Kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các quỹ ETF ngoại - Ảnh 1.

Quỹ VFM VN30 ETF ghi nhận mức rút vốn mạnh nhất trong vòng 6 tháng trở lại đây. (Ảnh minh họa: SSI).

Với việc chỉ thêm và không loại cổ phiếu nào, các quỹ ETF ngoại cho thấy kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của thị trường chứng khoán Việt Nam, dù tháng 2 ghi nhận rút ròng trở lại.

Theo đó, quỹ VFM VN30 ETF ghi nhận mức rút vốn mạnh nhất trong vòng 6 tháng trở lại đây, đẩy mạnh rút vốn lên 744 tỷ đồng trong tháng 2, bên cạnh FTSE Vietnam ETF cũng rút 27 tỷ đồng. Điều này tạo áp lực lên dòng vốn ETF ngoại trong tháng 2.

Trong khi đó, hầu hết các quỹ còn lại ghi nhận dòng vốn dương trong tháng, bao gồm VFM VNDiamond 400 tỷ đồng, SSIAM VNFIN Lead 80 tỷ đồng và quỹ Global X MSCI Vietnam ETF 75 tỷ đồng.

Theo giới phân tích, việc các quỹ ETF ngoại rút ròng trở lại trong tháng 2 do tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư trước động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed). Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị khiến dòng vốn các quỹ đầu tư cổ phiếu vào Việt Nam chững lại.

Chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Vndirect phân tích, về đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), Việt Nam có thể chứng kiến sự thoái lui của dòng vốn FII trong ngắn hạn.

Bởi các nhà đầu tư tài chính toàn cầu có xu hướng bán bớt các tài sản rủi ro để chuyển hướng sang các tài sản được coi là an toàn hơn như vàng hoặc USD do xung đột Nga - Ukraine.

Cùng với đó, kỳ vọng lợi tức USD tăng lên do lộ trình tăng lãi suất điều hành của Fed cũng khiến dòng vốn đầu tư gián tiếp rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên để quay trở lại Mỹ.

Dù vậy, danh mục mới cơ cấu trong kỳ quý I của các quỹ ETF ngoại cho thấy, kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của thị trường chứng khoán Việt Nam, với hàng loạt cổ phiếu mới đã được thêm vào danh mục, trong khi không loại cổ phiếu nào.

Cụ thể, theo thông tin chính thức về kết quả thay đổi danh mục của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI với hai quỹ ETF ngoại, đối với FTSE Russell, FTSE Vietnam Index đã thêm DPM, VCG, VND và không loại cổ phiếu nào. Với FTSE Vietnam All-share Index, chỉ số này thêm BCG, FRT, SHB, VCG, VND và không loại cổ phiếu nào.

Quan sát danh mục này, cổ phiếu ngành ngân hàng đang được chiếm phần lớn danh mục đầu tư của các quỹ ETF ngoại.

Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), từ đầu tháng 3, nhóm quỹ Dragon Capital đã mua 1,25 triệu cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank, nâng tỉ lệ sở hữu lên 95,2 triệu cổ phiếu, tương đương chiếm 5,05% vốn tại ngân hàng này.

Trước đó, quỹ này cũng đã trở thành cổ đông lớn của MBBank sau khi mua 916.800 cổ phiếu MBB, nâng số lượng nắm giữ của nhóm quỹ Dragon Capital đối với cổ phiếu MBB lên gần 189,3 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 5% vốn điều lệ của MBBank.

Không chỉ nắm giữ cổ phiếu "vua", danh mục chứng khoán cơ cấu sắp có hiệu lực của các quỹ ETF ngoại còn có những những cái tên đại diện cho ngành bất động sản, bán lẻ, công nghệ… Đây đều là ngành được nhận định sẽ tăng trưởng nhờ các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ.

Về phía Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam quan sát, chương trình phục hồi kinh tế xã hội giai đoạn 2022−2023 có quy mô khoảng 4% GDP; trong đó, gói hỗ trợ gồm chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, và hỗ trợ giảm lãi suất.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định và Thông tư hướng dẫn Nghị định về gói hỗ trợ lãi suất (giảm 2%/năm) với quy mô tối đa 40 nghìn tỷ đồng, tương đương với quy mô dư nợ khoảng 1 triệu tỷ đồng mỗi năm.

Tiêu dùng nội địa được mong đợi phục hồi mạnh từ mức nền thấp với các yếu tố xúc tác chính bao gồm dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh thúc đẩy chi tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tiêu dùng tăng thông thường sẽ khuyến khích các công ty tăng sản lượng và công suất, tạo thêm động lực tăng trưởng. Thêm vào đó, việc giảm thuế giá trị gia tăng được hy vọng sẽ giúp kích cầu tiêu dùng hơn nữa trong năm 2022.

Ở góc nhìn khác theo trích dẫn mới đây, ông Petri Deryng, Giám đốc đầu tư của PYN Elite Fund cũng bày tỏ sự lạc quan vào thị trường chứng khoán Việt Nam, dù thị trường đang phản ứng với tình hình căng thẳng Nga – Ukraine.

Theo ông, các công ty niêm yết Việt Nam có bức tranh tài chính mạnh mẽ, chính phủ có tiềm lực tài chính dồi dào, đồng thời thặng dư thương mại vẫn được duy trì và tiếp tục. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu yếu, xuất khẩu Việt Nam tăng chậm lại nhưng kinh tế Việt Nam vẫn chống chọi được.

Ở một diễn biến liên quan, một quỹ Thái Lan dự kiến huy động hơn 2.000 tỷ đồng đầu tư vào chứng khoán Việt Nam thông qua các quỹ ETF, quỹ chủ động hoặc mua trực tiếp cổ phiếu trên sàn được giới chuyên gia chờ đợi sẽ giúp khối ngoại giao dịch sôi động hơn trong thời gian tới.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần (18/3), khối ngoại mua ròng với giá trị 135,63 tỷ đồng; trong đó, DPM là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 80,2 tỷ đồng tương ứng với 1,3 triệu cổ phiếu, tiếp theo là CTG với 70,7 tỷ đồng tương ứng với 2,2 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, LPB là mã bị bán ròng nhiều nhất với 85,6 tỷ đồng tương ứng với 3,8 triệu cổ phiếu./.

Diệp Anh