Kỳ vọng sửa đổi Thông tư 03, cho phép cơ cấu các khoản nợ phát sinh sau 10/6/2020
Sự ra đời của các Thông tư 01 và 03 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cơ cấu lại thời gian trả nợ phù hợp đồng thời làm giảm bớt áp lực chi phí tài chính cho doanh nghiệp và ngân hàng.
Tuy vậy, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp (làn sóng thứ 4) các ngân hàng lại không thể cơ cấu nợ, tiếp tục cho vay khách hàng vì vướng quy định tại các thông tư trên khiến nợ xấu có xu hướng tăng cao.
Tại tọa đàm trực tuyến nhằm chia sẻ vướng mắc, bất cập qua thực tiễn thực hiện Thông tư 03, Hiệp hội Ngân hàng cùng đại diện các ngân hàng đã đề nghị NHNN xem xét sửa đổi thông tư và có các giải pháp hỗ trợ ngân hàng.
Không thể cơ cấu nợ và tiếp tục cho vay do giới hạn về thời điểm của Thông tư 03
Theo quy định tại Thông tư 03, TCTD chỉ được cơ cấu số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.
Tuy nhiên, dịch bệnh lại bùng phát trở lại khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó trong trả nợ. Điều này dẫn đến có nhiều khoản nợ cần được cơ cấu nhưng lại không đáp ứng được điều kiện quy định về thời gian phát sinh nợ.
Việc không thực hiện cơ cấu được sẽ khiến các khoản nợ giải ngân từ ngày 10/6/2020 sẽ bị chuyển nợ xấu và ảnh hưởng đến hoạt động của TCTD
Theo ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank, chỉ riêng đối với các ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 như dịch vụ lưu trú, khách sạn được giải ngân sau ngày 10/6/2020 và đến hạn trả nợ trong năm 2021, nếu không được cơ cấu sẽ có khả năng chuyển nợ xấu khoảng 8.000 tỷ đồng.
“Nếu không được cơ cấu lại các khoản nợ sau ngày 10/6/2020 sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, dẫn đến nợ xấu cuối năm rất lớn. Agribank khó mà giữ được nợ xấu dưới 2%”, ông Vượng chia sẻ thêm.
Do vậy, các ngân hàng kiến nghị NHNN xem xét cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ các khoản giải ngân sau ngày 10/6/2020 hoặc xem xét không quy định thời gian phát sinh nợ trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính, mà chỉ quy định về thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi.
Đồng thời, xem xét cho phép cơ cấu nợ đối với số dư nợ thẻ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch và áp dụng với các dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 cho đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng chính phủ công bố hết dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng kiến nghị NHNN xem xét mở rộng cơ chế số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 30 ngày kể từ ngày đến hạn trả nợ theo hợp đồng, mở rộng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Kéo dài thời hạn trích lập dự phòng bổ sung
Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng giám đốc VietinBank, chia sẻ danh mục khách hàng của ngân hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 chiếm gần 30% danh mục tín dụng, theo Thời báo ngân hàng.
Ông Vinh cho rằng nếu những quy định trên không sớm được sửa đổi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình hoạt động của VietinBank nói riêng, toàn hệ thống ngân hàng nói chung.
“Dù ngân hàng có trích lập dự phòng đầy đủ trong 3 năm, nhưng hệ luỵ trong thời gian tới rất lớn chứ không phải là các con số ngân hàng đang tính toán”, ông Vinh cho biết.
Lãnh đạo các TCTD cũng cho biết hiện nay các TCTD chịu tác động rất lớn từ đại dịch. Ngoài việc duy trì hoạt động, các TCTD còn phải hỗ trợ khách hàng thông qua các biện pháp như cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi suất, phí...
Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận, kết quả kinh doanh của ngân hàng. Do vậy, quy định các TCTD phải trích tối thiểu 30% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đến ngày 31/12/2021 là rất khó cho TCTD.
Do đó, các TCTD cũng mong muốn được kéo dài thời hạn trích lập dự phòng bổ sung, có thể trong 5 năm nhằm giảm tải áp lực tài chính cũng như giúp các TCTD có thêm nguồn lực vừa phát triển kinh doanh và hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn.
Đồng quan điểm với đại diện các ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, mong muốn đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng NHNN tham dự cuộc họp tiếp thu đầy đủ ý kiến của các TCTD, sớm nghiên cứu, soạn thảo và trình Thống đốc ban hành chính sách mới đảm bảo hành lang pháp lý cho các TCTD thực hiện.