|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Kỷ lục thanh khoản HOSE năm vừa qua: HPG dẫn đầu về giá trị, FLC và HQC trong top 10 khối lượng

15:18 | 21/05/2021
Chia sẻ
Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát dẫn đầu cả về khối lượng và giá trị giao dịch. Trong top 10 khối lượng còn có sự góp mặt của nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ như HQC, FLC, ROS và ITA.
Kỷ lục thanh khoản HOSE năm vừa qua: HPG dẫn đầu về giá trị, FLC và HQC trong top 10 khối lượng - Ảnh 1.

Cổ phiếu Tập đoàn FLC nằm trong top 10 khối lượng giao dịch HOSE năm 2020. (Ảnh: Đức Quyền).

Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), top 10 cổ phiếu có giá trị giao dịch lớn nhất năm 2020 chiếm 32,44% tổng giao dịch toàn sàn với giá trị mua bán đạt trên 508.300 tỷ đồng.

Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát dẫn đầu với thanh khoản xấp xỉ 96.900 tỷ đồng, tiếp theo là VHM của Vinhomes với gần 67.900 tỷ, TCB của Techcombank đứng thứ 3 với giá trị giao dịch 53.400 tỷ. 

VNM của Vinamilk và CTG của VietinBank bám đuổi nhau khá sát sao với thanh khoản năm vừa qua lần lượt đạt 50.600 và 49.300 tỷ.

Sau CTG là ba cổ phiếu ngân hàng khác gồm STB của Sacombank, VPB của VPBank, MBB của Ngân hàng Quân đội (MB). Hai cái tên cuối cùng là MSN của Tập đoàn Masan và HSG của Tập đoàn Hoa Sen.

Tổng cộng trong top 10 giá trị giao dịch năm 2020 có hai mã cổ phiếu thép (HPG và HSG), một mã bất động sản (VHM), 5 mã ngân hàng (TCB, CTG, STB, VPB, MBB) và hai mã thực phẩm, hàng tiêu dùng (VNM, MSN).

Kỷ lục thanh khoản HOSE năm vừa qua: HPG dẫn đầu về giá trị, FLC và HQC trong top 10 khối lượng - Ảnh 3.

HPG dẫn đầu cả giá trị lẫn khối lượng

Xét về khối lượng giao dịch, cổ phiếu HPG của Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu khi có xấp xỉ 3,42 tỷ đơn vị được giao dịch trong năm vừa qua. STB của Sacombank đứng sát phía sau khi chỉ kém HPG vỏn vẹn 1 triệu đơn vị được giao dịch. 

Một trong những nhân tố giúp HPG có thanh khoản cao hơn các cổ phiếu khác là khối lượng niêm yết lớn. Sau khi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% vào tháng 8/2020, tổng số cổ phiếu HPG niêm yết tại HOSE lên tới 3,31 tỷ đơn vị, tương đương với VHM và lớn hơn nhiều so với STB.

Các cổ phiếu penny và midcap với giá dưới 10.000 đồng/cp góp mặt khá đông đảo trong top 10 khối lượng giao dịch.

Cụ thể, cặp đôi ROS của Xây dựng FLC Faros và FLC của Tập đoàn FLC đứng vị trí thứ 3 và thứ 4 với khối lượng giao dịch khoảng 2,8 tỷ đơn vị. Tại ngày cuối năm, giá của hai mã cổ phiếu này lần lượt là 2.530 đồng và 4.550 đồng/cp.

Cổ phiếu ITA của Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo đứng số 5 với thanh khoản 2,7 tỷ đơn vị, giá cuối năm 7.000 đồng/cp. Mã HQC của Địa ốc Hoàng Quân đứng thứ 9 với gần 2,3 tỷ đơn vị được giao dịch trong năm, giá tại ngày 31/12 là 1.930 đồng/cp.

Trong gần 5 tháng đầu năm 2021, nhiều cổ phiếu trong số trên đã có những bước tiến thần tốc: HQC tăng gần 90%, FLC vượt mệnh giá và hiện giao dịch ở khoảng 12.000 - 13.000 đồng/cp.

Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã nhiều lần tuyên bố rằng thanh khoản cao là một trong những ưu điểm lớn nhất của cổ phiếu FLC. 

"Nhà đầu tư thỏa sức mua và cũng thỏa sức bán cổ phiếu FLC, không bao giờ mất thanh khoản.... Dù là cá nhân hay tổ chức, đầu tư ngắn hạn hay dài hạn, cũng đều mong muốn cổ phiếu có thanh khoản, tức là bán bao nhiêu cũng có người mua và mua bao nhiêu cũng có người bán", ông Quyết nói hồi tháng 4/2021.

Kỷ lục thanh khoản HOSE năm vừa qua: HPG dẫn đầu về giá trị, FLC và HQC trong top 10 khối lượng - Ảnh 5.

Ngoài STB, nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng có chỗ đứng trong top 10 khối lượng gồm TCB, MBB và CTG.

Tổng khối lượng mua bán của 10 cổ phiếu nói trên trong năm ngoái đạt gần 26,2 tỷ đơn vị, chiếm 31% toàn sàn.

HOSE lại nghẽn lệnh khi thanh khoản lên cao

Năm 2020, sàn HOSE có 252 phiên giao dịch với tổng giá trị mua bán 1,62 triệu tỷ đồng (bao gồm cả cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, ETF, trái phiếu và chứng quyền có bảo đảm), tăng 57% so với năm 2019. Riêng giá trị giao dịch cổ phiếu là gần 1,57 triệu tỷ đồng, tăng 59,5%.

Từ tháng 12 năm ngoái, HOSE thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải dẫn tới nghẽn lệnh giao dịch của nhà đầu tư khi thanh khoản khớp lệnh đạt khoảng 14.000 – 16.000 tỷ đồng/phiên. Trong khoảng một tháng qua, HOSE đã có một số giải pháp cải tiến về mặt kỹ thuật, giúp nâng năng lực xử lý lên trên 20.000 tỷ đồng/phiên.

Tuy nhiên, tình trạng nghẽn lệnh vẫn chưa được được khắc phục hoàn toàn. Đơn cử như trong ngày hôm nay 21/5, HOSE bắt đầu "đơ" từ lúc 14h khi vẫn còn khoảng 30 phút nữa mới hết phiên khớp lệnh buổi chiều. Tổng giá trị giao dịch hôm nay đạt gần 23.700 tỷ đồng, tức hơn 1 tỷ USD.

Năm 2020, HOSE ghi nhận doanh thu gần 1.052 tỷ đồng, tăng 37% so với năm trước. Tổng chi phí 361 tỷ, suy ra lợi nhuận trước thuế đạt 691 tỷ đồng, tăng gần 46%.

Năm 2021, HOSE đặt mục tiêu doanh thu 1.065 tỷ, lãi trước thuế 648 tỷ, dự kiến nộp ngân sách Nhà nước gần 474 tỷ đồng.

Song Ngọc