|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

KIS Việt Nam: Động lực tăng trưởng của Vietjet sẽ đến từ thị trường quốc tế

13:43 | 09/07/2019
Chia sẻ
Thị trường hàng không nội địa đang dần đạt mức bão hòa, Vietjet đang tìm kiếm động lực mới từ các thị trường nước ngoài trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản, những thị trường du lịch tiềm năng đến Việt Nam.

Động lực tăng trưởng của Vietjet trong tương lai sẽ đến từ thị trường quốc tế

Trong báo cáo chuyến thăm doanh nghiệp đầu tháng 7/2019, CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (Mã: KIS) cho rằng, CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) sẽ không còn tốc độ tăng trưởng nội địa vượt trội như trong quá khứ, thay vào đó động lực tăng trưởng chính giờ đây sẽ đến từ thị trường quốc tế.

Trong bối cảnh thị trường trong nước đang dần bão hòa, mục tiêu của Vietjejt là duy trì vị thế và giữ mức tăng trưởng tương ứng với tăng trưởng chung toàn ngành.

Theo ban lãnh đạo của Vietjet, hãng đang dẫn đầu trên các tuyến Việt Nam – Hàn Quốc với khoảng 16 chuyến/ngày. Thị phần của hãng LCC lớn nhất Việt Nam đã vượt qua Korean Air (FSC) và Jeju Air (một trong những LCC hàng đầu Hàn Quốc). KIS cho rằng điều này giống với thị trường Đài Loan trong quá khứ khi Vietjet thâm nhập thành công và trở thành hãng hàng không dẫn đầu tại đường bay Việt Nam – Đài Loan, và được thúc đẩy tăng trưởng đáng kể từ thị trường này trong hai năm tiếp theo.

Công ty chứng khoán KIS tin rằng, tăng trưởng của Vietjet sẽ được hỗ trợ bởi đường bay Việt Nam – Hàn Quốc trong ít nhất hai năm nữa.

Với kế hoạch mở rộng sang khu vực Bắc Á, Vietjet đang nhắm đến thị trường Nhật Bản. Sau khi ra mắt ba đường bay là Hà Nội – Osaka, TP HCM – Osaka và Hà Nội – Tokyo vào cuối năm 2018, đầu năm 2019; Vietjet cho biết sẽ khai thác khứ hồi hai đường bay mới là TP HCM – Tokyo và Đà Nẵng – Tokyo vào các ngày 12/7 và 16/10 tới đây. Mỗi chuyến bay sẽ kéo dài từ 6 – 7 giờ đồng hồ.

Nhật Bản hiện là thị trường du lịch lớn thứ ba tại Việt Nam sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Năm ngoái, lượng khách du lịch từ Nhật Bản đến Việt Nam là hơn 820.000 người (tăng 3,6%), còn theo chiều ngược lại là 34.000 người (tăng 36,7%).

Tau%20bay%20moi,%20hien%20dai%20cua%20Vietjet

KIS cho rằng động lực tăng trưởng trong tương lai của Vietjet sẽ đến từ các thị trường quốc tế (Ảnh: Vietjet Air)

Đã có đủ kế hoạch dự phòng cho trường hợp của Boeing 737Max

Đối với kế hoạch mở rộng đội bay, từ đầu năm đến nay hãng đã nhận được ba máy bay A321 mới (chủ yếu trong tháng 4 và tháng 5), nâng tổng số lên 66 chiếc.

Liên quan đến việc cung cấp mẫu 737Max, Vietjet cho biết đang làm việc sát sao với Boeing. Trong kịch bản tốt nhất, ngay cả khi Boeing có thể khắc phục tất cả các vấn đề an toàn của 737Max, mẫu máy bay này vẫn sẽ mất khá lâu để có được giấy phép bay từ Cục Hàng không Việt Nam (CAAV).

Mặc dù chỉ có 4 chiếc 737Max dự kiến giao cho Vietjet trong 2019, nhưng hãng đã chuẩn bị đầy đủ các kế hoạch dự phòng để đảm bảo tăng trưởng công suất đội bay, bao gồm thuê máy bay thân hẹp trong khu vực.

Theo ban lãnh đạo, các mẫu máy bay A320 family là dòng có tính thanh khoản cao nhất trong thị trường máy bay thứ cấp; do đó, nguồn máy bay thuê có sẵn sẽ không phải là vấn đề lớn.

Mục tiêu mở rộng chuỗi giá trị hàng không

Theo ban lãnh đạo Vietjet, các dịch vụ phụ trợ đang đóng góp 26% doanh thu vận tải hàng không của Vietjet với mức lợi nhuận gộp cao (từ 60 - 80%); tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 30%. Ngoài ra, Vietjet đã chi 142 tỉ đồng để mua 1,74 triệu cổ phiếu của CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (Mã: SGN) để nâng số cổ phần sở hữu của mình từ 3,94% lên 9,11%.

Hoạt động chính của SGN là cung cấp dịch vụ hàng hóa cho các hãng hàng không tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh. Điều này một lần nữa cho thấy mục tiêu của Vietjet là mở rộng chuỗi giá trị hàng không để củng cố vị thế tốt hơn trên thị trường.

Bên cạnh đó, trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 7/2019, Phó chủ tịch Vietjet đã công bố kế hoạch ra mắt sàn thương mại điện tử (TMĐT) trong hai năm tới. Bên cạnh dịch vụ chính là bán vé máy bay, sàn TMĐT này sẽ bán từ hàng tiêu dùng đến dịch vụ tài chính, khách sạn... Động thái này khá giống với kế hoạch của AirAsia đã công bố vài tháng trước.

Vietjet sẽ sử dụng cơ sở dữ liệu hơn 30 triệu hành khách của mình làm khách hàng mục tiêu ban đầu cho nền tảng này, từ đó gia tăng doanh thu dịch vụ phi hàng không.

Đông A

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.