Kinh tế trưởng SSI chỉ ra nhân tố quyết định khả năng thị trường tạo đáy
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Mỹ đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 4 thập kỷ qua, trong đó giá xăng liên tiếp chạm các mốc cao kỷ lục mới mỗi ngày, do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine cũng như tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh của đại dịch COVID-19.
Đêm nay theo giờ Việt Nam, Mỹ sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6. Trong trường hợp chỉ số này giảm, nhà đầu tư đang kỳ vọng vào câu chuyện đỉnh lạm phát là đáy chứng khoán.
Chia sẻ trong chương trình “Bí mật đồng tiền”, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của Chứng khoán SSI cho biết từ ngày hôm qua trên thị trường đã xuất hiện nhiều thông tin đồn đoán, thậm chí có thông tin giả liên quan đến CPI tăng đến 10%.
Theo ông Hưng, hiện nay thị trường đang kỳ vọng lạm phát vẫn có thể tăng nhẹ trong tháng 6, chỉ có lạm phát lõi giảm nhẹ. Tuy nhiên, thông tin về CPI vào thời điểm này cũng không quá quan trọng, bởi vì số liệu tháng 7 đang chỉ ra các chỉ số hàng hóa, điển hình như giá dầu thô giảm khá mạnh, cho nên xu hướng chung của lạm phát hiện nay đang tạo đỉnh và có khả năng giảm. Khó khăn ở đây là chưa thể khẳng định đây là đỉnh ngắn hạn hay dài hạn.
“Tôi không nghĩ rằng số liệu CPI công bố trong tối nay có ảnh hưởng nhiều đến thị trường, bởi vì giá cả hàng hóa có thể giảm ngay trong tháng 7 mà không phải tháng 6. Điều quan trọng với thị trường hiện nay vẫn là những vấn đề liên quan đến suy thoái, trong tình huống xấu suy thoái xảy ra sẽ làm cho lợi nhuận của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Cả Việt Nam và Mỹ đều đang bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh. Theo đó, kết quả quý II của các doanh nghiệp sẽ cho ta thấy được khả năng suy thoái cao hay là thấp, đây chính là điểm lưu ý quan trọng quyết định tới câu chuyện thị trường đã tạo đáy hay chưa, chứ không phải chỉ số CPI tối nay.”
Cũng theo Kinh tế trưởng của Chứng khoán SSI, thông tin về CPI rất khó để gây ra bất ngờ vì hiện nay số duy nhất có thể gây ra bất ngờ chính là lạm phát lõi, mọi người đều đánh giá nó sẽ giảm trong tháng 6.
Đối với kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp trên thị trường Mỹ, ông Hưng đánh giá khả năng đi theo hướng xấu rất cao, ví dụ chỉ số GDP của Mỹ trong quý II, có một số dự báo cho rằng GDP vẫn đang âm hơn 1% trong quý II, và không được kỳ vọng nhiều vào kết quả kinh doanh tích cực.
Về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn, ông Hưng cho rằng số liệu vĩ mô của Việt Nam trong thời gian tới khá tích cực , tăng trưởng quý III hay quý IV đều tích cực. Tuy nhiên, với yếu tố thanh khoản thị trường thì mọi người vẫn kỳ vọng hơn vào những thông tin mang tính chất ngắn hạn.
Ví dụ trong tuần nay sẽ diễn ra những cuộc họp liên quan đến sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu riêng lẻ, vào cuối tuần này Ngân hàng Nhà nước có cuộc họp liên quan đến tăng trưởng tín dụng, phát hành trái phiếu các tổ chức tín dụng. Nếu các cuộc họp đưa ra được các hướng tích cực thì tâm lý giao dịch trên thị trường cũng sẽ diễn biến theo chiều hướng tích cực.
Khi được hỏi về cảm xúc đầu tư đang ở đâu trong nấc thang từ sợ hãi đến tham lam, ông Hưng cho biết mình đang trong giai đoạn hy vọng .
"Những cảm xúc như tuyệt vọng, chán nản hay đầu hàng là không có vì tâm lý đã được đẩy lên mức hy vọng nhưng mọi người vẫn thường nói “hy vọng không phải một chiến lược” ( Hope is not a strategy ). Chúng ta không thể đưa ra một chiến lược đầu tư chỉ dựa trên việc hy vọng được", chuyên gia khẳng định.