|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Kinh tế Trung Quốc tiềm ẩn nguy cơ lạm phát

07:15 | 26/05/2017
Chia sẻ
Kinh tế Trung Quốc đang tiềm ẩn nguy cơ lạm phát và nếu không kịp thời có những biện pháp đề phòng hữu hiệu, lạm pháp sẽ góp phần gia tăng sức ép giảm tốc lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
kinh te trung quoc tiem an nguy co lam phat
Kinh tế Trung Quốc tiềm ẩn nguy cơ lạm phát. (Nguồn: Bnews/TTXVN)

Tờ “Minh báo”, nhật báo có quan điểm trung lập của Hong Kong phân tích, năm 2016, vật giá tiêu dùng của Trung Quốc luôn trong trạng thái chơi vơi ở mức thấp, nhưng mấy tháng gần đây đã bắt đầu tăng lên, đây là dấu hiệu cho thấy nguy cơ lạm phát đang tiềm ẩn trong nền kinh tế Trung Quốc.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong bốn tháng gần đây đã tăng liên tiếp và ở mức trên 2%, nhất là tháng 1/2017 tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn 0,4% so với tháng 12/2016. Đây cũng là mức cao nhất tính trong một tháng của mấy năm gần đây.

Nguyên nhân phần lớn là ảnh hưởng của Tết Nguyên đán, nhưng cũng có nhân tố khác như giá dầu thô thế giới tăng lên khiến giá dầu thành phẩm trong thị trường nội địa Trung Quốc cũng điều chỉnh tăng theo.

Tháng 1/2017, giá xăng và giá dầu mazut so với tháng trước lần lượt tăng 4,7% và 5,2%, khiến cho chỉ số giá tiêu dùng tăng thêm khoảng 0,1%. Điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng trong tương lai.

Chuyên gia kinh tế kỳ cựu của Trung Quốc, Giáo sư Ngô Kinh Liễn cảnh báo, nguy cơ lạm phát trong nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng hiện hữu. Trong đó, nhân tố chủ yếu dẫn đến lạm phát vẫn là Trung Quốc thiếu biện pháp đồng bộ trong việc thực hiện chính sách giảm sản lượng ở những ngành nghề sản xuất quá thừa.

Con số thống kê cho thấy giá cả xuất xưởng sản xuất công nghiệp (PPI) của Trung Quốc đã tăng mạnh trong 5 tháng liền. Tháng 1/2017 tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn 1,4% so với tháng 12/2016. Trong đó, giá cả vật liệu sản xuất tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Đây là nhân tố chủ yếu ảnh hưởng tới mức tăng chung giá cả xuất xưởng công nghiệp, bao gồm giá cả công nghiệp khai khoáng tăng 31%, giá cả nguyên vật liệu công nghiệp tăng 12,9%.

Mặc dù, những tháng gần đây, PPI tăng lên chủ yếu do giá cả nguyên liệu như than và thép tăng, chứ chưa thực sự lan đến giá tiêu dùng. Tuy nhiên, Giáo sư Ngô Kính Liễn nhận định rằng theo kinh nghiệm trước đây, cần khoảng thời gian từ 3 - 6 tháng khi PPI tăng lên đồng thời tác động đến CPI.

Theo dự tính từ giữa năm nay trở đi, ảnh hưởng của PPI đến CPI sẽ tăng dần và nguy cơ lạm phát sẽ càng rõ ràng hơn.

Theo Giáo sư Ngô Kính Liễn, lạm phát luôn là vấn đề khó đối phó nhất trong các vấn đề kinh tế, bởi nó mang tính “tâm lý bầy đàn” trong tiêu dùng, chứ không chỉ đơn thuần là nhân tố lượng tiền lưu thông quá thừa hay hàng hóa cung không đủ cầu.

Vì thế, trong nhiều trường hợp, biện pháp điều hành kinh tế, kiểm soát lạm phát khi đã xảy ra không có tác dụng. Vụ đồng bath của Thái Lan mất giá năm 2008 là một ví dụ điển hình.

Một khi kinh tế Trung Quốc bùng nổ lạm phát, hậu quả sẽ rất khó lường, bởi đời sống của hơn 1,3 tỷ dân sẽ bị ảnh hưởng, vấn đề xã hội xuất hiện do lạm phát trực tiếp gây ra là điều có thể đoán trước.

Vì vậy, trong thời gian tới, Trung Quốc cần tìm mọi cách, kể cả các biện pháp phi kinh tế tiền tệ, để bảo đảm duy trì lạm phát không vượt quá 3%.