|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế Trung Quốc suy yếu vì những chính sách ngột ngạt

18:04 | 15/09/2021
Chia sẻ
Trong tháng 8, kinh tế Trung Quốc hứng đòn từ các biện pháp kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt và các hạn chế chặt chẽ đối với bất động sản, làm dấy lên lo ngại về cuộc phục hồi kinh tế toàn cầu.
Kinh tế Trung Quốc suy yếu vì loạt chính sách nghiêm ngặt của chính phủ - Ảnh 1.

Trong tháng 8, doanh số dịch vụ ăn uống của Trung Quốc giảm mạnh vì COVID-19. (Ảnh: Bloomberg).

Lo ngại về đại dịch khiến người tiêu dùng Trung Quốc cắt giảm chi tiêu trong kỳ nghỉ hè. Doanh số bán lẻ tăng trưởng chậm lại còn 2,5% so với năm ngoái, thấp hơn nhiều ước tính 7% của các nhà kinh tế do Bloomberg khảo sát. 

Đầu tư xây dựng giảm 3,2% trong 8 tháng đầu năm, hệ quả của việc chính phủ siết chặt ngành bất động sản trong chiến dịch chống rủi ro tài chính.

Kinh tế Trung Quốc suy yếu vì loạt chính sách nghiêm ngặt của chính phủ - Ảnh 1.

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc nhấn mạnh thách thức với cuộc phục hồi kinh tế thế giới vì sự lây lay của biến chủng Delta. Sự suy giảm của ngành xây dựng đang lan tỏa ra kinh tế thế giới thông qua việc làm giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với các hàng hóa như quặng sắt.  

Ông Lu Ting, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura Holdings cho biết: "Cho đến nay, thị trường đã đánh giá thấp đáng kể mức độ suy giảm tăng trưởng trong nửa cuối năm. Các nhà chức trách Trung Quốc sẽ bám sát cách tiếp cận "chấp nhận khó khăn ngắn hạn vì lợi ích dài hạn", và nhiều khả năng sẽ tiếp tục kiềm chế bất động sản".

Trung Quốc áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt mới để ngăn chặn sự bùng phát của biến thể Delta từ cuối tháng 7. Việc này dẫn đến doanh số nhà hàng và dịch vụ ăn uống trong tháng 8 giảm 4,5% so với năm ngoái sau khi đi lên 14,3% trong tháng trước đó.

Tuy Trung Quốc đã nhanh chóng kiểm soát đợt dịch này, một cụm dịch mới vừa xuất hiện tại miền nam đất nước trong tháng 9. Rất có khả năng người tiêu dùng sẽ tiếp tục thận trọng trong thời gian tới.

Chính phủ Trung Quốc vẫn tránh sử dụng kích thích rộng rãi để hỗ trợ kinh tế. Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách đang đẩy mạnh những chương trình mục tiêu hướng đến doanh nghiệp vừa và nhỏ và cam kết hỗ trợ tài khóa thông qua trái phiếu chính quyền địa phương.

Nhiều nhà kinh tế kỳ vọng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ một lần nữa hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc sau đợt cắt giảm bất ngờ hồi tháng 7.

Bà Chang Shu, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Bloomberg Economics viết: "Dữ liệu tháng 8 củng cố lập luận rằng chính phủ và ngân hàng trung ương Trung Quốc cần tăng cường hỗ trợ chính sách – và phải thật nhanh".

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc viết trong tuyên bố rằng tuy kinh tế tiếp tục hồi phục trong tháng 8 nhưng "môi trường quốc tế rất phức tạp và khắc nghiệt, và tác động từ sự bùng phát COVID-19 trong nước và các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt đối với nền kinh tế đang lộ ra. Cuộc phục hồi kinh tế vẫn cần được củng cố".

Ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Macquarie Securities dự đoán tuy tiêu dùng có thể bất ngờ hồi phục trong tháng 9, "nhưng nền kinh tế nói chung sẽ ở trong chiều hướng đi xuống trong vài quý tiếp theo".

Hạn chế bất động sản

Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã thắt chặt khả năng tiếp cận vốn của các nhà phát triển bất động sản, cũng như giảm tốc cho vay thế chấp đối với người mua nhà. Mục tiêu là tránh hình thành rủi ro tài chính và giảm bớt sự phụ thuộc của nền kinh tế vào bất động sản. Tăng trưởng đầu tư bất động sản giảm tốc và doanh số suy yếu trong tháng 8.

Kinh tế Trung Quốc suy yếu vì những chính sách ngột ngạt - Ảnh 3.

Cùng lúc đó, nhu cầu thế giới vẫn được duy trì mạnh mẽ, hỗ trợ ngành công nghiệp rộng lớn của Trung Quốc bất chấp vấn đề tắc nghẽn cảng và chi phí vận chuyển cao.

Tuy nhiên, chi phí gia tăng đem lại rủi ro cho các nhà sản xuất và ngành ô tô tiếp tục thiệt hại nặng vì thiếu hụt chip. Bắc Kinh cũng đang cố gắng hạn chế sự phát triển của công nghiệp nặng như một phần của nỗ lực giảm khí thải.

Ông Bruce Pang, trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại công ty chứng khoán China Renaissance Securities nhận định: "Sự phục hồi có thể tiếp tục chậm lại khi COVID-19 tái bùng phát. Trung Quốc cần có sự kết hợp giữa nới lỏng và thắt chặt chính sách theo mục tiêu".

Giang