Kinh tế Trung Quốc suy yếu phần nào giảm rủi ro lạm phát toàn cầu và của Việt Nam, tạo điều kiện tiếp tục nới lỏng tiền tệ
Trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nêu nhận định về việc tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại và tác động lên kinh tế Việt Nam.
Theo các chuyên gia tại đây, sự suy yếu trong nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc tác động tới đà hồi phục của kinh tế toàn cầu, từ đó tạo áp lực giảm giá lên nhiều hàng hóa.
Trong năm 2022, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN. Nhu cầu yếu sẽ làm ảnh hưởng tới các ngành nghề có tỷ lệ xuất khẩu cao sang Trung Quốc như gỗ, giấy, rau củ.
Thêm vào đó, việc đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh cũng đang gây áp lực lên hoạt động thương mại hai nước khi mà áp lực nhập siêu từ Trung Quốc gia tăng do hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc trở nên rẻ hơn. Các sản phẩm bị ảnh hưởng như hàng nông lâm thủy sản, đồ nội thất, sắt thép, vật liệu xây dựng. Đồng thời, tỷ giá trong nước cũng chịu áp lực tăng từ diễn biến giảm sâu của CNY.
Tuy nhiên, KBSV cho rằng sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc cũng phần nào làm giảm rủi ro lạm phát trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khóa hỗ trợ kinh tế phục hồi.
Về tác động tích cực từ góc nhìn thu hút vốn đầu tư FDI, các chuyên gia tại đây cho hay quá trình chuyển dịch nền kinh tế của Trung Quốc sẽ làm xáo trộn chuỗi giá trị và cung ứng trên toàn cầu, bên cạnh các yếu tố thuộc về cấu trúc và rủi ro địa chính trị còn dai dẳng sẽ là động cơ để các nhà sản xuất tìm kiếm các thị trường mới để đặt nhà máy sản xuất, trong đó có Việt Nam.
Đi kèm với sự tập trung vào các ngành công nghệ cao, các lĩnh vực chế biến chế tạo và công nghiệp nặng sẽ dần bị thu hẹp sẽ là điều kiện cho Việt Nam có thể mở rộng và tiếp tục duy trì tăng trưởng khi tỷ trọng sản xuất hàng xuất khẩu với nhóm đối tượng này là tương đối lớn.
Nói thêm về kinh tế Trung Quốc, KBSV cho hay tăng trưởng kinh tế nước này chậm lại do cả ngoại lực và nội lực đều suy yếu.
Từ đầu năm 2023, Trung Quốc hoàn toàn gỡ bỏ chính sách Zero-COVID, mở cửa nền kinh tế trở lại.
Rất nhiều chuyên gia kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ từ nhu cầu tiêu dùng “trả thù” sau 2 năm dịch bệnh. Tuy nhiên, GDP quý II/2023 chỉ đạt 6.3%, thấp hơn kỳ vọng của thị trường là 7.3%.
Với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1979-2019 lên tới 9.53%/năm, mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay tỏ ra rất khiêm tốn khi so sánh với giai đoạn trước và cả khi so sánh với mức nền tăng trưởng thấp trong năm 2022.
Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI giảm 0,2% và lạm phát lõi đạt 0,4% so với cùng kỳ trong tháng 6 làm dấy lên lo ngại về khả năng giảm phát kéo dài tại Trung Quốc. Bên cạnh yếu tố khách quan đến từ chính sách thắt chặt trên toàn cầu dẫn tới sụt giảm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quốc gia này cũng đang trải qua những sự biến đổi chủ quan từ bên trong, điều có thể gây nên tình trạng trì trệ nền kinh tế kéo dài.