Chuyên gia: Nền kinh tế vẫn yếu, nhà điều hành sẽ tiếp tục bơm tiền cho đến khi gặp vấn đề tỷ giá
Tại hội thảo tổ chức mới đây của CTCP Chứng khoán DNSE, ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup cho biết kinh tế Việt Nam đang bước vào chu kỳ nới lỏng từ đầu 2023 và vẫn tiếp tục nới lỏng do dự báo tương lai nền kinh tế vẫn yếu.
Theo ông Báu, nhà điều hành đang trong thế khó vì đây là giai đoạn chuyển giao khi mà tất cả những công cụ hỗ trợ đã được sử dụng nhiều mà các nước trên thế giới vẫn chưa chịu giảm lãi suất. Do đó sẽ có những áp lực nhất định đè lên nền kinh tế cuối năm nay.
Sau dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn khó khăn khi xuất khẩu suy giảm, tiêu dùng tăng trưởng chậm, khu vực sản xuất bị sụt giảm trong thời gian dài nhất trong lịch sử.
Và dự kiến trong một đến hai quý tới, khu vực xuất khẩu, sản xuất vẫn còn khó khăn khi nhìn vào sức khỏe nền kinh tế của các nước lớn. Đặc biệt, tăng trưởng doanh số bán lẻ của Mỹ và Trung Quốc – hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vẫn giảm.
“Lĩnh vực xuất khẩu vẫn phải chờ đợi kinh tế các nước đối tác phục hồi. Khu vực sản xuất cũng chưa thể phục hồi ngay trong một đến hai quý tới vì cần thời gian thẩm thấu về vốn, về pháp lý”, ông dự báo.
CEO WiGroup nhấn mạnh mọi thứ vẫn đang tiêu cực, chưa có tín hiệu tốt hơn và nhà điều hành sẽ tiếp tục bơm tiền cho đến khi gặp vấn đề tỷ giá. Ngoài ra, khi hết dư địa về lãi suất, một vài công cụ khác sẽ ra đời nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay.
Hiện dư địa giảm lãi suất vẫn còn. Lạm phát hiện vẫn đang kiểm soát được nên đây vẫn là yếu tố hỗ trợ để tiếp tục nới lỏng. Tuy nhiên ông Báu lưu ý vấn đề tỷ giá, nguy cơ dòng vốn dịch chuyển khỏi Việt Nam khi lãi suất của Việt Nam đang quá thấp so với thế giới.
Ông thông tin thêm trong 3 tháng qua, dự trữ ngoại hối mất 2 tỷ USD, tương đương 50.000 tỷ đồng rút khỏi Việt Nam.
"Rủi ro lớn với nhà điều hành Việt Nam là Việt Nam đang đi ngược với chính sách toàn cầu. Dòng vốn đang vào, cán cân tổng thể đang dương nhưng nếu nó đảo ngược thì tỷ giá lại căng thẳng”, ông Báu cảnh báo.