CEO Wigroup: Nếu hết dư địa hạ lãi suất, NHNN sẽ phải sử dụng công cụ khác để tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ
Theo số liệu mà Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố, trong tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,45% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 7 tăng 1,13% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,06%. Bình quân 7 tháng năm 2023, CPI tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,65%.
Tổng cục Thống kê cho biết, giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt tăng khi nhu cầu tăng cao vào mùa du lịch là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tăng trong tháng 7.
Đáng chú ý, chỉ số lạm phát cơ bản cao hơn khá nhiều so với mức tăng CPI. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup.
Thưa ông, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, bình quân 7 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,65% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,12%), điều này có gì bất thường không thưa ông?
Ông Trần Ngọc Báu: Lạm phát chung được tính dựa trên toàn bộ các mặt hàng tiêu dùng để phản ánh được rõ nhất xu hướng giá cả chi tiêu thường ngày.
Tuy nhiên trong rổ tiêu dùng của một người dân thành thị, sẽ có những nhóm mặt hàng rất dễ bị biến động bởi yếu tố mùa vụ, thiên tai, sốc cung cầu hay chịu sự kiểm soát hoàn toàn bởi Nhà nước,...
Việc này đã làm mất đi tính chính xác và ổn định của việc phản ánh sự thay đổi mức giá chung trong dài hạn của nền kinh tế.
Để phán ánh rõ hơn sự thay đổi mức giá chung này, đơn vị thống kê đã phát triển chỉ số lạm phát lõi (CPI Core), chỉ số này loại bỏ các mặt hàng như giá xăng dầu, điện nước, lương thực và giáo dục,... khi tính toán.
Chính vì thế khi những nhóm mặt hàng này biến động mạnh sẽ dẫn đến sự sai khác giữa lạm phát và lạm phát lõi. Việc khác biệt này nếu không quá lớn thì cũng bình thường và phần nhiều là thông tin bổ trợ cho việc ra quyết sách điều hành.
Thông thường thì chỉ số lạm phát sẽ "biến động" trước lạm phát lõi, lý do là bởi luôn cần thời gian để những biến động giá cả bất thường của những mặt hàng này tác động được đến các khu vực khác.
Quay trở lại với thực trạng Việt Nam, sự tăng mạnh của giá xăng dầu và giáo dục trong năm 2022 đã đẩy lạm phát tăng cao hơn lạm phát lõi, tuy nhiên từ cuối 2022 thì những mặt hàng này lại giảm rất mạnh và nhanh chóng kéo giảm chỉ số lạm phát về mức thấp.
Trong khi đó chỉ số lạm phát lõi lại giảm chậm hơn và duy trì ở mức cao từ 6-9 tháng trước khi giảm về mức tương đương lạm phát. Đây cũng là điều thường gặp sau những cú sốc về giá xăng dầu hay lương thực, thực phẩm.
Như vậy từ giờ đến cuối năm thì lạm phát lõi sẽ có xu hướng giảm dần và về vùng cân bằng quanh lạm phát, nằm trong khoảng 3-3,5%, vì vậy, không cần quá lo về việc lạm phát lõi.
Việc lạm phát cơ bản ở mức cao liệu có ảnh hưởng đến các quyết định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)?
Chắc chắn khi ra chính sách về lãi suất thì NHNN cũng đã phải quan tâm những biến động của cả lạm phát và lạm phát lõi.
Hiện nay thì cả hai chỉ số này đều đang nằm trong xu hướng giảm và nửa cuối năm có thể lạm phát lõi sẽ còn giảm mạnh hơn lạm phát do đặc thù cách tính toán.
Theo dự phóng của cá nhân tôi và các cơ quan nghiên cứu thì đều cho rằng cả hai chỉ số sẽ nằm quanh vùng 3-3,5% cho năm nay, con số này vẫn còn dư địa để giảm lãi suất nếu theo NHNN coi việc giảm lãi suất là thực sự cần thiết lúc này.
Một số tổ chức quốc tế nhận định NHNN sẽ chỉ hạ lãi suất thêm 1 lần 50bps nữa trước khi dừng chu kỳ nới lỏng tiền tệ lần này, ông dự báo gì về khả năng giảm lãi suất của NHNN trong thời gian tới?
Nếu xét trên bối cảnh lạm phát và diễn biến tỷ giá hiện tại thì nhận định của các tổ chức kinh tế về việc NHNN chỉ hạ lãi suất thêm 0,5 điểm % trong năm nay rồi dừng lại là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, nếu nói dừng lại chu kỳ nới lỏng tiền tệ thì tôi lại không phù hợp.
Nguyên nhân là bởi để nói một nền kinh tế đang bước vào giai đoạn nới lỏng hay thắt chặt tiền tệ thì lãi suất cũng chỉ là một trong số nhiều công cụ mà NHNN sử dụng.
Vậy nên, trong thời gian tới nếu như công cụ lãi suất hết không gian để giảm thêm nhưng nền kinh tế vẫn chưa thực sự bứt tốc lại được thì NHNN sẽ phải sử dụng dần đến các công cụ nới lỏng tiền tệ khác thay cho lãi suất.
Nhìn vào thực trạng kinh tế Việt Nam hiện tại để nói về việc NHNN nên ngừng nới lỏng tiền tệ là quá sớm.
Nhìn vào các số liệu kinh tế vĩ mô tháng 7, liệu có thể khẳng định nền kinh tế đã ổn định hay chưa và có những điểm nhấn thú vị nào trong bức tranh kinh tế này?
Số liệu tháng 7 nhìn chung là phục hồi còn rất chậm so với những gì mà cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã cố gắng làm trong 6 - 9 tháng qua.
Đến thời điểm hiện tại, chính sách tiền tệ đã gần hết không gian để thực hiện nhiệm vụ của mình, cuối năm lại là thời gian cao điểm của đầu tư công và giảm thuế, lúc này tầm quan trọng của chính sách tài khóa càng đóng góp lớn hơn trong nhiệm vụ phục hồi kinh tế. Khó khăn đang ngày càng nhiều hơn với cơ quan điều hành chính sách.
Trong bức tranh kinh tế tháng 7 có một điểm khá đặc biệt về biến động giá cả tiêu dùng mà chúng ta có thể quan sát thấy, đó chính là sự tăng giá bất thường của chỉ số hàng ăn dịch vụ ăn uống và chỉ số giá hàng hóa khác.
Trong đó giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn ghi nhận mức tăng 0,63% so với tháng 6, trong khi từ 1/7 chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% chính thức có hiệu lực. Không lẽ việc giảm thuế không tác động gì đến giá cả mà người tiêu dùng phải chi trả?
Mặt khác trong bối cảnh tiêu dùng hàng hóa suy giảm rõ nét mà chỉ số giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn ghi nhận mức tăng 1,45% trong 3 tháng qua là một điều cần phải quan sát kỹ trong biến số về lạm phát.
Tuy nhiên điểm thú vị nhất trong số liệu CPI mới công bố đó chính là sự tăng vọt của chỉ số giá hàng hóa khác trong rổ tính CPI, khi mà tháng 7 vừa rồi chỉ số này ghi nhận tăng tới 2,84% so với tháng trước đó.
Đây là con số biến động rất lớn và hiếm gặp, lần gần nhất chúng ta nhìn thấy hiện tượng này là vào tháng 5/2012. Hiện tại, do những rào cản nhất định về mặt tiếp cận số liệu và công bố thông tin nên cá nhân tôi cũng không thể giải thích được điều gì đã làm chỉ số này biến động cao đến như vậy.
Nhưng rõ ràng sự biến động này sẽ là nhân tố ảnh hưởng không nhỏ đến sự tăng tốc của chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7 vừa qua và có thể trong các tháng tới. Hy vọng rằng sự biến động này chỉ là nhất thời trong một tháng, không kéo dài.
Xin cám ơn ông!