|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế Trung Quốc có thể xuất hiện 'suy thoái mang tính kỹ thuật'

07:41 | 10/03/2020
Chia sẻ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu nối lại hoạt động sản xuất kinh doanh, sau đó hai lần phát biểu lấy việc khôi phục kinh tế làm trọng điểm.
Kinh tế Trung Quốc có thể xuất hiện 'suy thoái mang tính kỹ thuật' - Ảnh 1.

Cảng hàng hóa Dương Sơn ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Từ tháng 12/2019 tới nay, dịch viêm đường hô hấp cấp gây ra bởi virus SARS-CoV-2 (COVID-19) đã kéo dài gần ba tháng ở Trung Quốc. Theo thông báo của phía Trung Quốc, tình hình dịch bệnh tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và các địa phương khác trên toàn quốc cơ bản đã được khống chế.

Ngoài Hồ Bắc, số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tăng mới hằng ngày đã giảm mạnh, chỉ có Vũ Hán và vùng phụ cận là tình hình vẫn nghiêm trọng. Tới cuối tháng 2/2019, số ca nhiễm mới ở Trung Quốc hằng ngày đã giảm xuống dưới 400 ca, so với mức 4.000 ca ở thời điểm trước và sau khi Vũ Hán phong tỏa thành phố. Giờ đây, Chính phủ Trung Quốc đang chuyển hướng quan tâm chú ý sang việc xử lý khủng hoảng kinh tế.

Theo tờ Tin tức Thế giới, ngày 10/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu nối lại hoạt động sản xuất kinh doanh, sau đó hai lần phát biểu lấy việc khôi phục kinh tế làm trọng điểm. Từ ngày 10/2 tới nay, hiệu quả của những nỗ lực khôi phục kinh tế ra sao?

Dịch bệnh ảnh hưởng như thế nào đối với kinh tế Trung Quốc? Đây đều là những vấn đề mang tính cấp bách cần có câu trả lời đúng đắn. Theo không ít nhà phân tích, tình hình kinh tế quý I/2020 của Trung Quốc sẽ rất nghiêm trọng, tăng trưởng GDP có thể giảm xuống từ 2-4%.

Cũng có nhà phân tích nhận định ảnh hưởng của dịch bệnh không chỉ đối với quý I, mà kéo dài tới quý II, thậm chí là tác động tới cả năm 2020. Đáng chú ý nhất là việc kinh tế Trung Quốc có thể xuất hiện “suy thoái mang tính kỹ thuật”.

Số liệu do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố ngày 29/2 cho thấy Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong ngành chế tạo của nước này đã giảm xuống còn 37,5 điểm, thấp hơn nhiều so với ranh giới 50 điểm xác định tăng trưởng dương (trên 50 điểm) và tăng trưởng âm (dưới 50 điểm).

Như vậy, so với tháng 1/2020, chỉ số PMI của ngành chế tạo tháng Hai giảm 14,3 điểm, là mức giảm rất lớn. Như vậy chỉ số PMI của ngành chế tạo giảm xuống dưới mức thấp nhất sau khủng hoảng tài chính thế giới, đạt được vào tháng 11/2008 (38,8 điểm).

Tính tới cuối tháng 2/2020, hoạt động khôi phục sản xuất, kinh doanh tại các tỉnh, thành như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông, Giang Tô, Sơn Đông và Chiết Giang diễn ra tương đối nhanh. Báo cáo của tỉnh Chiết Giang ngày 29/2 cho biết đã có 70% nhà máy công xưởng hoạt động trở lại, nhưng Hồ Bắc, địa phương chiếm tới 4% GDP của Trung Quốc, vẫn trong tình trạng đình đốn toàn diện.

Về số lượng, trong số khoảng 300 triệu công nhân đến từ nông thôn thì 1/3 đã trở lại làm việc. Nhằm khôi phục sản xuất điện thoại thông minh iPhone, hãng Apple đã thưởng cho mỗi công nhân trở lại làm việc từ 3.000-5.250 NDT (430,7-753,8 USD).

Các biện pháp phòng dịch khiến cho việc đi lại của người dân và giao thông vận tải trở nên khó khăn nên cũng gây trở ngại đối với việc khôi phục sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, hoạt động sản xuất nối lại có thể khiến bệnh dịch lan tràn.

Vì vậy, kể từ khi yêu cầu khôi phục sản xuất kinh doanh được đưa ra vào ngày 10/2 tới nay, cả Chính phủ và doanh nghiệp đều đứng trước lựa chọn khó khăn giữa phòng chống dịch bệnh và khôi phục kinh tế.

Tới cuối tháng 2/2020, rõ ràng việc nối lại hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp trở ngại lớn từ công tác phòng chống dịch bệnh, khiến tốc độ diễn ra rất chậm. Đây chính là nhân tố chủ yếu khiến tình hình kinh tế quý II/2020 khó có thể lạc quan.

Một điểm đáng chú ý nữa là ảnh hưởng của dịch bệnh đối với các trung tâm mua sắm và nhà hàng ăn uống có thể còn lớn hơn đối với các nhà máy, xí nghiệp. Do những năm gần đây, Trung Quốc tiến hành cải cách cơ cấu kinh tế, phát triển nhu cầu trong nước, năm 2019, đóng góp của tiêu dùng trong nước vào GDP đã lên tới 57,8%.

Một tháng trước và một tháng sau khi Vũ Hán ban bố lệnh phong tỏa thành phố vào ngày 23/1, các trung tâm mua sắm, nhà hàng ở Vũ Hán, Bắc Kinh, Thượng Hải và nhiều thành phố lớn trên toàn quốc đều đóng cửa. Tình hình xem ra vẫn chưa thay đổi tới cuối tháng 2/2020.

Trong một diễn biến liên quan tới nhu cầu trong nước, ngày 29/2, trang Rong360 có trụ sở chính ở Bắc Kinh công bố kết quả điều tra trên cả nước cho thấy 64,4% người tiêu dùng Trung Quốc sẽ không tăng chi tiêu dù dịch bệnh qua đi.

Trong khi đó, 20% trong số giới trung lưu ở Trung Quốc (có thu nhập từ 30.000 NDT hay 4.300 USD trở lên) đóng vai trò chủ lực về tiêu dùng nói rằng trong ngắn hạn họ không tăng chi tiêu. Như vậy, việc phát triển nhu cầu trong nước rõ ràng đang gặp khó khăn rất lớn vì dịch bệnh, đương nhiên trở thành nhân tố ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, tác động của dịch bệnh đối với kinh tế Trung Quốc không chỉ đến từ bản thân Trung Quốc mà còn đến từ kinh tế toàn cầu. Do dịch bệnh khởi phát từ Trung Quốc “xuất khẩu” ra toàn cầu, cho nên, từ cuối tháng 2/2020, số ca nhiễm bệnh ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy và Iran tăng mạnh.

Không ít quốc gia bị dịch COVID-19 tấn công. Cùng với việc tình hình xấu đi, khả năng kinh tế thế giới rơi vào suy thoái ngày một cao. Hiện nay, trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, 7 nước có thể lâm vào suy thoái, Đức, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) đã xuất hiện dấu hiệu suy thoái. Kinh tế những quốc gia này đi xuống sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu của Trung Quốc.

Nền tảng kinh tế Mỹ vẫn vững chắc, nhưng mấy ngày gần đây, tình hình dịch bệnh đột nhiên trở nên căng thẳng. Ngày 25/2 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh liên bang (CDC) Mỹ đã cảnh báo nước này khó tránh trược khả năng dịch bệnh lây lan giống như ở Italy và Hàn Quốc.

Tình hình dịch bệnh diễn ra sau đó chứng thực tình trạng lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trong cộng đồng ở Mỹ là khá nghiêm trọng. Do có năng lực xử lý sự lây lan của bệnh truyền nhiễm tương đối cao, Mỹ có thể kiểm soát dịch bệnh trong vòng vài tuần. Nhưng nếu kiểm soát không tốt, kinh tế Mỹ chắc chắn bị ảnh hưởng.

Khi trả lời phỏng vấn hãng CNBC, chuyên gia kinh tế trưởng Dianna Choyleva thuộc công ty chuyên nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc Enodo Economics ở Phố Wall, nhận định Trung Quốc có thể xuất hiện “suy thoái mang tính kỹ thuật”, tức là kinh tế tăng trưởng âm hai quý liên tiếp.

Theo chuyên gia Dianna, tăng trưởng kinh tế sáu tháng cuối năm 2019 của Trung Quốc đã giảm mạnh, Chính phủ Trung Quốc nói tăng trưởng đạt 6%, nhưng kỳ thực chỉ là 3%. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế thực tế của Trung Quốc trong sáu tháng đầu năm 2020 này cũng có thể chỉ đạt 3% và như vậy, Trung Quốc rất có thể rơi vào “suy thoái mang tính kỹ thuật”.

Ngày 29/2 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu doanh nghiệp Trường Giang (CKGSB) cũng đưa ra báo cáo cho biết chỉ số kinh tế tháng Hai của Trung Quốc chỉ còn 37,3 điểm, đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm và giảm tới 18,9 điểm so với tháng 1/2020.

Trong khi đó, hoạt động kinh tế chỉ khôi phục được 20%. Có thể thấy triển vọng trung và dài hạn của kinh tế Trung Quốc là khó có thể lạc quan, áp lực kinh tế đi xuống tăng mạnh bởi một phần lớn tổn hại do dịch bệnh gây ra đã không thể vãn hồi được.

Nói tóm lại, theo báo trên, cho dù kinh tế Trung Quốc xuất hiện “suy thoái mang tính kỹ thuật", Bắc Kinh cũng không nên vì thế mà buông lỏng việc phòng chống và kiểm soát dịch bệnh. Lý do được đưa ra chỉ có kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh thì mới tạo dựng được nền tảng khôi phục sản xuất kinh doanh trong tương lai.

Hà Ngọc