Kinh tế toàn cầu 6 tháng đầu năm 2017: Chung một gam màu khởi sắc
Kinh tế toàn cầu đã khởi sắc trong những tháng đầu năm.
Khởi sắc, chuyển biến tích cực hay cải thiện là những đánh giá của các tổ chức quốc tế về tình hình kinh tế toàn cầu trong sáu tháng qua và sự lạc quan này được thể hiện qua các số liệu cụ thể ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản.
Tuy nhiên, việc chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, bất ổn địa chính trị hay những tàn dư của khủng hoảng tài chính là những rủi ro đe dọa đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Chung gam màu khởi sắc
Theo báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) về Tình hình và Triển vọng kinh tế thế giới, kinh tế toàn cầu đã khởi sắc trong những tháng đầu năm, với sản lượng công nghiệp trong thời gian này đã phục hồi khiêm tốn cùng với hoạt động thương mại, chủ yếu nhờ nhu cầu nhập khẩu từ khu vực Đông Á tăng mạnh.
Kinh tế toàn cầu khởi sắc những tháng đầu năm. Ảnh: reuters |
Động lực chính cho sự hồi phục trên của kinh tế thế giới là nhờ các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế đang phát triển trên đà dịch chuyển, với Đông Á và Nam Á tiếp tục duy trì vị thế là hai khu vực phát triển năng động nhất.
Tuy nhiên, sự bất ổn gia tăng liên quan tới chính sách của các nước có nguy cơ gây cản trở cho sự phục hồi mạnh trong lĩnh vực đầu tư tư nhân toàn cầu, vì vậy LHQ hối thúc các quốc gia nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy việc phối hợp thực hiện chính sách quốc tế trong các lĩnh vực then chốt, trong đó có việc kiến lập hệ thống thương mại đa phương đi đôi với Chương trình nghị sự Phát triển bền vững vào năm 2030.
Còn trong báo cáo về triển vọng và nguy cơ đối với nền kinh tế thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn, dự báo sẽ tăng tốc trong ngắn hạn, phản ánh sự gia tăng trong hoạt động tại các nền kinh tế phát triển, sự chuyển dịch trong chính sách kinh tế vĩ mô tại Mỹ và sự ổn định tại các nền kinh tế mới nổi.
Ông Ayhan Kose, Giám đốc Nhóm Kinh tế Phát triển của Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng sau các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kể từ cuối năm ngoái, các thị trường tài chính đã phản ứng khá tốt. Trong khi bất ổn chính trị ở châu Âu đã giảm đi khi cử tri Pháp không bỏ phiếu cho ứng cử viên có chủ trương chống Liên minh châu Âu (EU).
Tại cuộc họp báo công bố bản cập nhật Triển vọng Kinh tế Toàn cầu của Conference Board, các chuyên gia của tổ chức tư vấn kinh tế danh tiếng này đánh giá các chỉ số kinh tế tại tất cả các khu vực trên thế giới, nhất là ở các nền kinh tế mới nổi, đều có sự khởi sắc.
Còn theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thời gian qua kinh tế thế giới đã có nhiều dấu hiệu cải thiện: Đầu tư, thương mại cũng như công nghiệp đều có bước nhảy vọt, niềm tin của các doanh nghiệp và người tiêu dùng được khôi phục, hầu hết các nước sản xuất nguyên liệu đều có triển vọng sáng nhờ giá dầu và nhiên liệu tăng.
Những con số khá thuyết phục
Số liệu điều chỉnh mới nhất công bố ngày 26/5 của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy kinh tế nước này tăng trưởng 1,2% trong quý I/2017, cao hơn mức tăng 0,7% đưa ra trong báo cáo đầu tiên, nhờ chi tiêu tiêu dùng cá nhân và doanh nghiệp tăng mạnh. Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng Tư, nền kinh tế lớn nhất thế giới tạo ra được 211.000 việc làm, tăng đáng kể so với mức dự báo 180.000 việc làm do giới chuyên gia đưa ra, đưa tỷ lệ thất nghiệp hiện giảm xuống chỉ còn 4,3%. Mỗi tháng nền kinh tế nước này tạo ra bình quân 185.000 việc làm mới kể từ đầu năm tới nay.
Nhận định nền kinh tế Mỹ hiện đủ mạnh, Fed tại cuộc họp vào tháng Sáu đã đi tới quyết định nâng biên độ lãi suất hiện nay thêm 0,25 điểm phần trăm lên 1-1,25%. Đây là lần tăng lãi suất thứ hai trong năm 2017 và là lần thứ ba kể từ tháng 12/2016.
Chủ tịch FED Janet Yellen trong cuộc họp báo thông báo quyết định tăng lãi suất cơ bản, tại Washington, DC ngày 14/6. Ảnh: THX/ TTXVN |
Quyết định tăng lãi suất mới nhất đó giúp Fed tiếp thêm một bước tới việc chấm dứt chính sách kích cầu kinh tế. Thông cáo của Fed cho biết thêm, ngoài quyết định nâng lãi suất cơ bản, Fed sẽ sớm khởi động kế hoạch bán lượng trái phiếu chính phủ và các chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp trị giá 4.500 tỷ USD mà Fed nắm giữ từ sau năm 2007-2008.
Tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 9,3%, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Vào thời kỳ khủng hoảng nợ tồi tệ nhất của Eurozone, tỷ lệ thất nghiệp của khối này đã lên mức cao nhất là 12,1%, với 19,3 triệu người phải tìm việc làm vào tháng 4/2013.
Trong quý I/2017, kinh tế Eurozone tăng trưởng 0,5%. Số liệu lạc quan này củng cố thêm kết quả của một cuộc khảo sát trước đó cho rằng kinh tế Eurozone đang tăng trưởng với nhịp độ nhanh nhất kể từ khi ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ sáu năm trước, bất chấp những bất ổn chính trị ở châu Âu.
Về kết quả cuộc bầu cử tại Pháp, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF, Changyong Rhee nhấn mạnh việc ông Macron đắc cử Tổng thống Pháp sau khi vượt qua ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen với số phiếu ủng hộ áp đảo đã mang tới sự lạc quan rằng những căng thẳng thương mại lớn sẽ dần lắng dịu, là tin tốt lành đối với châu Âu và việc mở cửa thương mại và toàn cầu hóa, đồng thời giảm bớt sự bất ổn tại Eurozone.
Ở Nhật Bản, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi, không bao gồm giá thực phẩm tươi sống, của nước này trong tháng Tư tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng nhanh nhất trong hai năm qua. Đây là tháng thứ tư liên tiếp CPI lõi tăng.
Theo số liệu mới được điều chỉnh công bố ngày 7/6, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 0,3% trong quý I/2017, thấp hơn so với mức ước tăng 0,5% đưa ra trong báo cáo sơ bộ trước đó, do mức tăng đầu tư tư nhân vào nhà ở được điều chỉnh giảm, nhưng vẫn ghi dấu quý tăng trưởng thứ năm liên tiếp của kinh tế Nhật Bản, giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong hơn một thập niên.
Cẩn trọng trước những rủi ro
Người đứng đầu IMF, bà Christine Lagarde cho biết sau 6 năm tăng trưởng ì ạch, kinh tế thế giới cuối cùng cũng lấy lại đà tăng trưởng, nhưng cảnh báo về những nguy cơ có thể nảy sinh từ tình hình chính trị thiếu chắc chắn tại châu Âu, liên quan đến một số cuộc bầu cử tại một số nước châu Âu, trong đó có Đức, và làn sóng bảo hộ dấy lên ở một số nước, cản trở hoạt động thương mại và kinh tế toàn cầu.
Lời cảnh báo của bà Lagarde được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cam kết sẽ áp thuế trừng phạt đối với hàng hóa từ các quốc gia mà ông cho là gây tổn hại cho người lao động Mỹ. Ông Trump từng dọa sẽ tăng mức thuế đánh vào các hàng hóa nhập từ Trung Quốc và Mexico lên tới 45%, trừ khi hai nước này dừng các biện pháp mà ông cho rằng vi phạm quy định thương mại.
Nguy cơ mất ổn định đang phủ bóng đen lên nền kinh tế thế giới. Ảnh minh họa: TTXVN |
Theo nhà kinh tế trưởng Maurice Obstfeld của IMF, có những quan ngại về kinh tế toàn cầu, bao gồm sự quay lưng lại với hệ thống thương mại đa phương và việc hạn chế người nhập cư, chính sách mới của Tổng thống Mỹ, hay tiến trình nước Anh ra khỏi EU (Brexit)...
Bên cạnh đó, IMF nhận định triển vọng tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu đã được cải thiện đáng kể, song cảnh báo các quốc gia này sẽ tiếp tục phải gánh chịu những tàn dư của khủng hoảng tài chính toàn cầu, như nợ doanh nghiệp cao hay mức tăng trưởng năng suất thấp.
Trong khi đó, môi trường chính sách khó lường của Mỹ, các cuộc đàm phán về Brexit, sự cần thiết phải cải tổ các thể chế châu Âu được Conference Board xác định là những yếu tố chính cản trở đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong khi các thị trường đang mới nổi đang tiến hành một loạt điều chỉnh mang tính trung hạn, khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế bị kìm hãm.
Báo cáo của Conference Board cũng nêu bật một số thách thức khác đối với nền kinh tế thế giới như: các chính sách tiền tệ vẫn gây áp lực lên các thị trường tài chính, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm, nguồn cung ứng lao động đang trở nên khan hiếm do tình trạng dân số già. Ngoài ra, mức độ đầu tư trên phạm vi toàn cầu mới chỉ bước đầu khởi sắc, còn năng suất lao động tăng nhưng chưa đạt tới sự cải thiện mang tính cơ cấu.
Trong dự báo mới nhất, WB cảnh báo "những rủi ro lớn" có thể ảnh hưởng tới những dự báo tăng trưởng về kinh tế toàn cầu, chủ yếu là do các mối đe dọa của làn sóng bảo hộ mậu dịch. Theo WB, "những hạn chế mới về thương mại có thể làm hỏng sự phục hồi trên toàn cầu" khi Mỹ tiếp tục đe dọa áp thuế trả đũa đối với một số đối tác, bao gồm Trung Quốc, Đức...
Trong bối cảnh Brexit và nguy cơ mất ổn định đang phủ bóng đen lên nền kinh tế thế giới, WB cảnh báo "bất ổn hiện nay" có thể làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư. Để đối phó với sự phục hồi mong manh hiện nay, WB cho rằng các nước nên tận thời điểm này để thực hiện những cải cách về thể chế.
OECD cũng thận trọng trước các "cú sốc” về địa chính trị và bảo hộ thương mại gia tăng, đồng thời nêu lên những nguy cơ tiềm ẩn khác như “đầu máy” kinh tế Trung Quốc có thể sẽ chạy chậm lại, trong bối cảnh các khoản nợ, nhất là nợ công, của quốc gia này đang ngày càng cao và khó kiểm soát.