|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế Singapore đứng trước nguy cơ suy thoái kỹ thuật

20:27 | 27/05/2023
Chia sẻ
Một số chuyên gia kinh tế nhận định Singapore (Xin-ga-po) có “nguy cơ cao” rơi vào suy thoái kỹ thuật trong quý II/2023 do những thách thức từ môi trường bên ngoài.

Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) ngày 25/5 công bố dữ liệu chính thức cho thấy nền kinh tế Singapore trong quý I/2023 giảm 0,4% so với quý IV/2022. Số liệu này đã đảo ngược xu hướng trước đó, khi kinh tế tăng trưởng 0,1% trong quý IV/2022.
Singapore rơi vào suy thoái kỹ thuật lần gần nhất là vào quý II/2020 khi đại dịch COVID-19 khiến tăng trưởng toàn cầu suy giảm. Ở trong nước, việc triển khai biện pháp phong tỏa đã tạm dừng gần như tất cả các hoạt động kinh tế trong hai tháng.

Nền kinh tế Singapore vẫn trong vùng tích cực với mức tăng trưởng 0,4% so với quý I/2022, nhưng thấp hơn nhiều so với con số 2,1% trong quý trước. Các nhà chức trách đã giữ dự báo mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong phạm vi từ 0,5 - 2,5%.

Nền kinh tế nhỏ và mở của Singapore phụ thuộc nhiều vào thương mại, nhưng nhu cầu bên ngoài đã suy yếu, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chậm lại, áp lực lạm phát vẫn mạnh và suy thoái trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Chuyên gia Shivaan Tandon từ công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics đánh giá: “Mặc dù đây không phải là kịch bản cơ bản của chúng tôi, nhưng vẫn có nguy cơ cao là nền kinh tế rơi vào suy thoái kỹ thuật trong quý II hoặc nửa cuối năm. Trong khi các nền kinh tế tiên tiến đã tăng trưởng tốt hơn dự kiến, chúng tôi cho rằng khả năng phục hồi đó sẽ yếu dần trong nửa cuối năm nay và đè nặng lên nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Singapore”. Ông Shivaan Tandon nói thêm: “Động lực này làm tăng nguy cơ suy thoái kỹ thuật do bản chất định hướng xuất khẩu của nền kinh tế Singapore”.

Các nhà kinh tế Maybank Chua Hak Bin và Lee Ju Ye nhận thấy nền kinh tế trì trệ, thay vì phục hồi, trong những quý tới. Họ nói thêm rằng Singapore có thể rơi vào suy thoái kỹ thuật “nếu sự thúc đẩy từ việc mở cửa trở lại của Trung Quốc không thành hiện thực trong quý II”. Về mặt du lịch, các chuyên gia lưu ý sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc “nhỏ giọt hơn là lũ lụt”. Trong khi đó, các lô hàng NODX sang nước này đã giảm mạnh trong tháng Tư. Điều này phản ánh những hạn chế trong nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc từ khi mở cửa trở lại sau đại dịch.

Ông Tandon nói dù lạm phát giảm ở trong nước sẽ hỗ trợ các hộ gia đình, nhưng tăng trưởng tiền lương danh nghĩa và việc làm có thể “giảm mạnh” trong thời gian tới. Cùng với chi phí trả nợ cao hơn do lãi suất tăng, những điều này sẽ làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng trong những quý tới và kìm hãm hoạt động tiêu dùng. Ông Tandon dự báo nền kinh tế Singapore sẽ tăng trưởng 0,5% trong năm nay, trong khi các nhà kinh tế của Maybank đang giữ nguyên ước tính tăng trưởng 0,8% cho năm 2023.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế lạc quan hơn. Trong đó, nhà kinh tế học Chua Han Teng của ngân hàng DBS không lo ngại cuộc suy thoái kỹ thuật và dự báo sẽ có sự thay đổi trong nền kinh tế trong nửa cuối năm 2023 để đưa tăng trưởng cả năm lên 2,2%. Ông Chua Han Teng nói: “Chúng tôi thừa nhận có rủi ro suy thoái, những yếu tố chính cần theo dõi là tốc độ phục hồi của Trung Quốc và khả năng quay vòng trong chu kỳ điện tử”.

Về phía các nhà hoạch định chính sách, bà Yong Yik Wei, nhà kinh tế trưởng của MTI cho biết tăng trưởng theo quý dự kiến sẽ “khá bằng phẳng hoặc rất thấp” trong nửa đầu năm nay và sẽ tăng dần vào cuối năm. Cũng theo bà Yong Yik Wei, trường hợp suy thoái kỹ thuật xảy ra, nó sẽ được dẫn dắt bởi lĩnh vực sản xuất, trong khi các lĩnh vực liên quan trực tiếp với người tiêu dùng và hàng không sẽ tiếp tục có khả năng phục hồi.

Tất Đạt