Giá trị M&A của Singapore tại Nhật Bản đạt mức kỷ lục
Dữ liệu từ Refinitiv cho hay tính đến ngày 13/4, các công ty có trụ sở tại Singapore đã ký bốn thỏa thuận M&A với các công ty Nhật Bản với tổng trị giá 2,65 tỷ USD. Điều này đánh dấu năm thứ ba liên tiếp giá trị các thỏa thuận M&A đạt trên 1 tỷ USD và là năm thứ ba đạt trên 2 tỷ USD kể từ năm 1992.
Mức tăng này chủ yếu nhờ thỏa thuận của GIC. Tin tức về thỏa thuận M&A đã xuất hiện từ cuối tháng 3/2023 về việc quỹ này sẽ thu mua lại công ty cổ phần của Works Human Intelligence, nhà phát triển phần mềm nhân sự hàng đầu của Nhật Bản, với giá khoảng 2,6 tỷ USD.
Thỏa thuận này giúp GIC tách ra khỏi mục tiêu tập trung vào bất động sản trước đây ở Nhật Bản. Lĩnh vực này chiếm 74% giá trị giao dịch vào năm 2021 và 97% vào năm 2022, khi họ mua tổng cộng 26 bất động sản, bao gồm cả khách sạn Naeba Prince ở điểm trượt tuyết Yuzawa từ Seibu Holdings.
Nhật Bản cung cấp chi phí vay thấp nhờ lãi suất siêu thấp trong nhiều năm và đồng tiền rẻ, khiến nước này trở thành mục tiêu đầu tư hấp dẫn.
Kể từ tháng 10/2021, cơ quan quản lý tiền tệ của Singapore đã nhiều lần thắt chặt chính sách trong bối cảnh lạm phát dai dẳng. Đổi lại, đồng SGD đã tăng từ 85 yen vào đầu năm 2022 lên 105 yen vào tháng 10/2022 và vẫn dao động quanh mức 100 yen đổi 1 SGD, khiến tài sản của Nhật Bản trở thành một món hời.
Mối quan tâm đến bất động sản Nhật Bản ngày càng tăng. Parkway Life REIT, công ty đang đẩy mạnh đầu tư vào các cơ sở chăm sóc điều dưỡng của Nhật Bản, đã mua lại 5 bất động sản tại quốc gia này vào năm 2022. Tổng tài sản tại Nhật Bản của công ty này vào khoảng 759 triệu SGD (khoảng 570 triệu USD) vào cuối năm 2022.
Henry Chin, Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương của CBRE, cho biết các nhà đầu tư Singapore là một trong những người đi đầu trong thị trường bất động sản Nhật Bản. Ông lưu ý các nhà đầu tư bất động sản ít quan tâm đến ngoại hối mà tập trung nhiều hơn vào chi phí tài trợ nợ.
Những người chơi được nhà nước hậu thuẫn với “hầu bao rủng rỉnh” cũng đang đầu tư nhiều vào các doanh nghiệp Nhật Bản khác.
Một giám đốc điều hành của GIC nói với Nikkei rằng họ quan tâm đến các nhà sản xuất và công ty liên quan đến máy móc công nghiệp. Một giám đốc điều hành của tập đoàn nhà nước Temasek Holdings trong năm 2022 đã vạch ra kế hoạch đầu tư 1 tỷ SGD vào Nhật Bản thông qua một đơn vị đầu tư mạo hiểm.
Tuy nhiên, những động thái tương tự trong khu vực tư nhân vẫn còn hạn chế. Keisaku Masuda, Chủ tịch của Yamada Consulting Group có trụ sở tại Tokyo, cho biết, các khoản đầu tư ngoài lĩnh vực bất động sản được quyết định dựa trên các yếu tố như khả năng thích ứng với hoạt động kinh doanh hiện tại, vì vậy đồng yen yếu sẽ không dẫn đến sự tăng giá.