|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Kinh tế Đông Nam Á 20 năm sau cuộc khủng hoảng “tom yum goong”

08:30 | 02/07/2017
Chia sẻ
Hai mươi năm sau ngày diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, các “con hổ” kinh tế Đông Nam Á một thời đang nỗ lực nhằm tránh tái diễn một cuộc khủng hoảng tương tự.
kinh te dong nam a 20 nam sau cuoc khung hoang tom yum goong

Tuyến cao tốc Chaloem Maha Nakhon dài 27,1km tại Thái Lan. (Ảnh: Ngọc Liên/TTXVN)

Hai mươi năm sau ngày diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 được khởi nguồn từ sự mất giá của đồng baht Thái, hay đôi khi được gọi là cuộc khủng hoảng “tom yum goong,” các “con hổ” kinh tế Đông Nam Á một thời đang nỗ lực nhằm tránh tái diễn một cuộc khủng hoảng tương tự.

Các nền kinh tế một thời được mệnh danh là các "con hổ" Đông Nam Á như Indonesia​ và Malaysia trong gần hai thập niên qua đã có sự hồi sinh khá ấn tượng xét trên một số phương diện.

Các nhân tố "góp phần" châm ngòi cho cuộc khủng hoảng năm 1997 cũng đã được kiềm chế, song những nguy cơ mới lại đang nhen nhóm, trong đó phải kể tới bong bóng trên thị trường bất động sản, sự bất bình đẳng về của cải và những ảnh hưởng dây chuyền bắt nguồn từ Trung Quốc.

Ba nền kinh tế lớn nhất khu vực và cũng là những nền kinh tế bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất bởi cuộc khủng hoảng năm 1997 là Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã trải qua giai đoạn tăng trưởng yếu hơn nếu so với mức tăng trưởng xấp xỉ hai con số trong thập niên 1990.

Tuy nhiên, tình trạng suy sụp trong dài hạn đã không xảy ra. Kinh tế Malaysia và Indonesia tăng trưởng quanh mức 5%/năm kể từ năm 2000.

Trong khi đó, kinh tế Thái Lan trải qua nhiều thăng trầm hơn, do ảnh hưởng bởi những bất ổn kéo dài và biến cố chính trị tại nước này, nhất là sau cuộc đảo chính quân sự năm 2006.

So với thời điểm năm 1997, dự trữ ngoại hối của các nước Đông Nam Á trong năm 2017 có sự gia tăng mạnh mẽ.

Mặc dù có phần giảm sút trong vài năm trở lại đây, song dự trữ ngoại hối của Malaysia tính đến cuối năm ngoái vẫn cao hơn ba lần so với thời điểm cuối năm 1996.

Các nhà hoạch định chính sách, giám đốc điều hành và các chuyên gia phân tích cho rằng khu vực doanh nghiệp tại Đông Nam Á hiện có mức nợ bằng đồng USD thấp hơn so với năm 1997, nhờ đó khu vực này “cách ly”được những tác động bất lợi lên đồng nội tệ. Một điểm đáng lưu ý nữa là biến động của đồng baht Thái Lan.

Cho đến thời điểm này, những xáo trộn chính trị trong nước đã không ngăn cản sự phục hồi từ từ của đồng baht kể từ khi đồng nội tệ này chạm mức thấp khoảng 55 baht đổi 1 USD hồi khủng hoảng.

Đồng baht mạnh lên không có lợi cho các công ty xuất khẩu của nước này. Trong bối cảnh thặng dư tài khoản của nước này ở mức cao, tình hình trên cũng sẽ không sớm thay đổi.

Tình hình tại Malaysia lại diễn ra trái ngược. Thặng dư tài khoản vãng lai thu hẹp, trong khi đồng ringgit Malaysia rớt giá trong hai năm trở lại đây trong bối cảnh có những cáo buộc về việc biển thủ hàng tỷ USD từ một quỹ đầu tư nhà nước.

Thị trường chứng khoán Indonesia, Thái Lan và Malaysia trải qua những thăng trầm khác nhau kể từ năm 1997. So với 20 năm trước, thị trường chứng khoán Indonesia tăng trưởng nhanh và chỉ số chứng khoán Jakarta Composite của thị trường này hiện cao gấp 8 lần.

Trong cùng thời gian này, thị trường chứng khoán Malaysia tăng 58% và chỉ số chứng khoán SET của Thái Lan hiện thấp hơn mức cao đỉnh điểm hồi đầu năm 1994.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế của tờ Thời báo Tài chính Anh, nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính nữa vào thời điểm này là thấp, song khả năng khu vực này có thể trở lại giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ như giai đoạn các nền kinh tế được ca ngợi là những "con hổ" Đông Nam Á chưa thể sớm xảy ra./.

Như Mai

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.