|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Kinh tế chia sẻ: Cơ hội nào cho các doanh nghiệp startup?

11:00 | 25/06/2023
Chia sẻ
Một số chia sẻ dưới đây của đại diện một số doanh nghiệp sẽ cho thấy rõ hơn vai trò của kinh tế chia sẻ hiện nay.

Những năm gần đây, Việt Nam chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của mô hình kinh tế chia sẻ, đang làm thay đổi cách thức vận hành, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp; cũng như thay đổi thói quen, thị hiếu và tâm lý ở số đông người tiêu dùng.

Sự xuất hiện thêm 1 số tính năng và ưu thế vượt trội, dịch vụ vận tải hành khách của thương hiệu Grab hay Be đang thu hút ngày càng đông khách hàng lựa chọn khi họ có thêm dịch vụ giao nhận hàng hoá, đi chợ giúp, ship đồ ăn... đặc biệt là sự tiện lợi, an toàn khi tích hợp các giải pháp về thanh toán, các nhà cung cấp uy tín.

Điều này góp phần tối ưu hóa quá trình giao dịch và đem lại nhiều trải nghiệm hữu ích hơn đối với khách hàng. Một số chia sẻ dưới đây của đại diện một số doanh nghiệp sẽ cho thấy rõ hơn vấn đề này cũng như vai trò của kinh tế chia sẻ hiện nay.

Ông Nguyễn Minh Tiền: Đại diện Công Ty TNHH May đo thời trang SBH quốc tế: 

 

Kinh tế thế giới dựa trên thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất hàng loạt, vốn được ưa chuộng suốt thế kỷ 19 và 20, đã bộc lộ một số vấn đề về chi phí sản xuất,lãng phí tiêu dùng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Trong khi đó, người mua và người bán ngày càng có xu hướng tận dụng tốt hơn các sản phẩm và nguồn lực sản xuất của nền kinh tế. Kinh tế chia sẻ ra đời để đáp ứng những yêu cầu đó. Kinh tế chia sẻ tạo nên chuỗi hệ thống giá trị kinh doanh, hợp tác giữa các bên để tạo ra giá trị cho sản phẩm, mỗi một cá nhân trong chuỗi đó sẽ hưởng một phần giá trị tạo ra trong chuỗi và cùng chia sẻ với nhau.

Nền móng cho sự xuất hiện của mô hình “kinh tế chia sẻ” là sự phát triển nhanh chóng của internet, tạo nền tảng giúp kết nối mọi giao dịch trên toàn thế giới. Các nguồn dữ liệu được cập nhật thường xuyên, dưới nhiều hình thức từ số liệu thống kê, đến mô tả, hình ảnh, video… Với khoảng 50% dân số thế giới ngày nay đều sử dụng internet để liên kết và kết nối với người thân, bạn bè, để làm việc, thực hiện các giao dịch mua bán.

Lợi ích đạt được của nền kinh tế chia sẻ là rất lớn. Tiết kiệm chi phí, giúp bảo vệ môi trường, tăng tính hiệu quả của nền kinh tế, giảm bớt sự lãng phí tài nguyên xã hội và sự dư thừa năng lực của các sản phẩm dịch vụ.

Đây chính là những yếu tố khiến kinh tế chia sẻ có những tiềm năng phát triển lớn mạnh hơn nữa trong tương lai, sẽ không chỉ là một thị trường ngách hay một hiện tượng nhất thời mà là tương lai của môi trường kinh doanh toàn cầu. Và SBH với tầm nhìn chinh phục thị hiếu toàn cầu cũng không nằm ngoài xu thế này.

Ông Trần Công Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ và truyền thông ViBest: 

 

Sau đại dịch COVID-19, người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn. Họ thận trọng về tiêu dùng của mình và những nguồn lực mà mình có. Chia sẻ giúp mỗi người giảm chi phí mà vẫn đạt được mục tiêu của mình; đặc biệt trong kinh doanh.

Chúng tôi hướng đến kinh tế chia sẻ và coi đây cũng là một hoạt động xã hội, là cơ hội để mọi người được cùng tương tác với nhau. Trong nhiều trường hợp, tương tác đem đến niềm vui cho con người, nhưng tương tác cũng là cách để thúc đẩy hoạt động kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế.

Niềm tin là yếu tố quan trọng trong bất cứ hoạt động chia sẻ nào và kinh tế chia sẻ không phải là một ngoại lệ. Trong những tình huống mà khách hàng không chắc chắn về quyết định của mình. Nếu khách hàng cảm thấy tin tưởng nhà cung cấp, niềm tin sẽ khiến họ tham gia tích cực vào hoạt động chia sẻ ngang hàng.

Niềm tin rất khó để xây dựng và duy trì. Có thể nói, niềm tin làm nên 90% sự thành công của các công ty với mô hình kinh tế chia sẻ. Xây dựng niềm tin vững chắc chính là thế mạnh của  mô hình chia sẻ cơ hội kinh doanh mà ViBest hướng tới.

Bà Phùng Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Thuế QC: 

 

Cơ hội đang rộng mở với các doanh nghiệp sẵn sàng đổi mới, sáng tạo, đón đầu mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam.

Thứ nhất, do còn khá mới, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, nên đây sẽ là cơ hội cho các start-up của Việt Nam và cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp thay đổi cách thức kinh doanh trên thị trường. Thêm nữa mỗi thị trường về cơ bản sẽ có đặc thù riêng nên đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam học hỏi và ứng dụng.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trẻ Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội lập nghiệp và rất nhiệt huyết tìm kiếm ý tưởng mới trong kinh doanh thông qua các nền tảng công nghệ, giúp giải quyết các vấn đề mà cách kinh doanh truyền thống chưa giải quyết được như gia tăng quyền hạn cho các doanh nghiệp nhỏ trong quá trình sản xuất kinh doanh, thay đổi cách thức marketing, mua bán sản phẩm, tạo ra luồng thông tin ngày càng công khai, minh bạch giữa người tiêu dùng, người sản xuất…

Bên cạnh những ưu điểm, mô hình chia sẻ cũng bộc lộ một số hạn chế về hài hòa lợi ích các bên, thiếu các chế tài về bảo hiểm, vấn đề trốn thuế, đạo đức kinh doanh và quản lý chất lượng các dịch vụ chia sẻ.

Tuy vậy, dưới góc độ quản lý, phải khai thác triệt để giao dịch này vì đây là cách thức giao dịch có thể kiểm soát được và khá minh bạch, mô hình này chắc chắn sẽ có tác động mạnh tới tương lai của nền kinh tế và việc khắc phục hạn chế sẽ cần tới vai trò của Chính phủ và doanh nghiệp.

Ngọc Quỳnh

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.