Kinh tế 2022-2023: Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Chứng khoán Việt có nhiều điểm tựa để phát triển
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 trải qua nhiều biến động với nhiều cung bậc cảm xúc buồn, vui. Chỉ số VN-Index liên tiếp lập đỉnh lịch sử hồi đầu năm, nhưng sau đó giảm sâu cùng với thanh khoản ở mức thấp. Để có cái nhìn toàn cảnh về thị trường chứng khoán năm 2022, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về diễn biến, nguyên nhân và phương hướng phát triển năm 2023.
Phóng viên: Ông có nhận định gì về diễn biến thị trường chứng khoán trong năm 2022?
Phó Chủ tịch Phạm Hồng Sơn: Tiếp nối đà tăng từ năm 2021, VN-Index liên tiếp lập đỉnh lịch sử trong những phiên đầu năm 2022 và ở mức cao nhất kể từ khi thành lập thị trường chứng khoán vào phiên ngày 6/1, đạt 1.528 điểm.
Tuy nhiên, sau đó thị trường gặp khó và giảm mạnh. Trong quý III năm 2022, VN-Index sụt giảm hơn 20% từ 1,492.15 điểm về còn 1.197.6 điểm. Đáng chú ý, kết thúc phiên 15/11, chỉ số VN-Index giảm chạm đáy hai năm xuống còn 911,9 điểm.
Tính từ 1- 15/11, VN-Index đã mất thêm 116 điểm, tương ứng mức giảm 11,3%. Con số này đã xấp xỉ mức giảm của cả tháng 9 - giai đoạn chỉ số giảm kỷ lục trong vòng 31 tháng kể từ đáy COVID-19. Sau nhịp giảm này, chỉ số VN-Index có thêm những nhịp kéo lên sát ngưỡng 1.100 điểm nhưng rồi nhanh chóng thoái lui.
Phóng viên: Xin ông cho biết nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh từ đầu quý II tới giữa tháng 11/2022?
Phó Chủ tịch Phạm Hồng Sơn: Biến động trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả trong nước và quốc tế. Sau các biện pháp hỗ trợ kinh tế sau đại dịch COVID-19, lạm phát đã tăng mạnh ở nhiều nơi trên thế giới khiến nhiều nền kinh tế phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ với nhịp độ nhanh, mạnh nhằm kiểm soát lạm phát.
Trong năm 2022, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa lãi suất cơ bản lên 4,25-4,5% qua 7 lần điều chỉnh. Theo đó, tháng 3 tăng 0,25 điểm %; tháng 5 và 12 tăng mỗi lần 0,5 điểm %. Các tháng 6,7,9,11 tăng 0,75 điểm % mỗi lần - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994.
Tương tự, Ngân hàng Trung ương Anh đã điều chỉnh tăng lãi suất 7 lần liên tiếp kể từ tháng 12/2021, lên mức 2,25%. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng 4 lần điều chỉnh tăng lãi suất trong năm 2022 trong bối cảnh lạm phát tiếp tục xu hướng tăng ở khu vực này. Động thái thắt chặt chính sách tiền tệ trên thế giới đang làm dấy lên lo ngại về rủi ro “suy thoái – lạm phát” ở một số quốc gia.
Các tổ chức quốc tế tiếp tục điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 và 2023. Theo đó, IMF (10/2022) hạ mức dự báo xuống còn 3,2% cho năm 2022 và 2,7% cho năm 2023; trong khi Ngân hàng Thế giới (9/2022) ước tính tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm xuống còn 0,5% trong năm 2023.
Tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong năm 2022. Xung đột Nga – Ukraine, căng thẳng giữa các nước lớn và chiến lược “Zero-COVID” của Trung Quốc đã làm trầm trọng tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Giá cả lương thực, năng lượng theo đó tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp và gia tăng áp lực lạm phát.
Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán trên thế giới cũng trải qua nhiều biến động. Trong nước, dòng tiền trên thị trường chứng khoán đã chịu sự tác động bởi các thay đổi mặt bằng lãi suất.
Sau các bước điều chỉnh lãi suất liên tục của Fed, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành nhằm ứng phó với lạm phát và giảm tác động từ bên ngoài.
Theo đó mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại gia tăng, thu hút dòng tiền quay trở lại hệ thống ngân hàng. Dòng vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng có sự dịch chuyển trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát.
Thị trường chứng khoán đã tăng trưởng mạnh trong năm 2021 đến quý I/2022. Do vậy, khi xuất hiện các yếu tố tác động không thuận, nhà đầu tư sẽ có tâm lý chốt lời nhằm bảo vệ thành quả, tạo nên áp lực bán trên thị trường.
Phóng viên: Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá sẽ có nhiều cơ hội hồi phục và tăng trưởng trở lại trong trung, dài hạn. Đâu sẽ là điểm tựa cho thị trường trong thời gian tới, thưa ông?
Phó Chủ tịch Phạm Hồng Sơn: Trong thời gian tới, những áp lực từ lạm phát sẽ tiếp tục khiến mặt bằng lãi suất gia tăng, căng thẳng địa chính trị, cũng như khó khăn từ chuỗi cung ứng nguyên liệu và năng lượng,… dự báo sẽ còn có tác động kém tích cực tới kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán toàn cầu nói riêng. Việt Nam cũng sẽ chịu những tác động và biến động tương tự.
Tuy nhiên, với thị trường chứng chứng Việt Nam, chúng ta vẫn có những yếu tố tích cực, kỳ vọng sẽ tạo động lực hỗ trợ cho thị trường hồi phục và tăng trưởng. Theo đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo vẫn được duy trì ở mức cao so với mặt bằng chung trên thế giới. Cùng với đó, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết đã cho thấy sức chống chịu tốt và khả quan.
Chính phủ và các cơ quan quản lý thời gian gần đây cũng đã có những chỉ đạo quan trọng để tháo gỡ khó khăn về thanh khoản dòng tiền trong nền kinh tế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, có giải pháp để hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, thị trường bất động sản,… Đây là những yếu tố nội tại quan trọng kỳ vọng sẽ hỗ trợ tốt cho thị trường trong thời gian tới.
Cùng đó, việc duy trì đà tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát vẫn ở mức kiểm soát có thể giúp Việt Nam là điểm sáng trong khu vực cũng như toàn cầu để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Thực tế, nhà đầu tư nước ngoài đã gia tăng mua ròng cổ phiếu trong những phiên thị trường giảm mạnh vừa qua. Theo đó, tính riêng trong nửa đầu tháng 11, khối ngoại đã mạnh tay mua ròng gần 6.800 tỷ đồng trên toàn thị trường. Dòng vốn ngoại dù chịu áp lực biến động, nhưng vẫn duy trì tại thị trường Việt Nam và chờ đợi cơ hội giải ngân.
Phóng viên: Vậy đâu là các giải pháp của cơ quan quản lý sẽ triển khai để hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới, thưa ông?
Phó Chủ tịch Phạm Hồng Sơn: Thị trường chứng khoán phát triển phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là kinh tế vĩ mô, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và niềm tin của công chúng đầu tư. Vì thế, kỳ vọng những khó khăn đang tác động tới thị trường sẽ sớm được tháo gỡ, tạo động lực cho thị trường chứng khoán hồi phục và phát triển.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp kịp thời góp phần hỗ trợ thị trường vận hành ổn định, liên tục, an toàn.
Cùng với việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, trấn an tâm lý nhà đầu tư, cơ quan quản lý đã yêu cầu công bố dữ liệu giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán; yêu cầu giải trình các mã tăng trần/giảm sàn 5 phiên liên tục; điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng trong phiên đáo hạn phái sinh;…. Mặt khác, cơ quan quản lý đã tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý các trường hợp tung tin đồn thất thiệt và các sai phạm xảy ra trên thị trường.
Hiện nay, chúng tôi đang rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn để xem xét, trình các cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với bối cảnh hoạt động mới của thị trường chứng khoán.
Bên cạnh việc chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh các dự án đang triển khai, đặc biệt là hệ thống công nghệ thông tin mới, công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm sẽ tiếp tục được tăng cường. Hiện cơ quan quản lý cũng đang triển khai tích cực các giải pháp để thu hút vốn nước ngoài trong bối cảnh mới; trong đó điểm nhấn là nâng hạng thị trường chứng khoán.
Trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp, bảo đảm thị trường phát triển ổn định, minh bạch./.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!