|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kinh nghiệm tiết kiệm điện của Nhật Bản - Bài cuối: 'Setsuden' - Một xu thế tất yếu

03:00 | 07/06/2023
Chia sẻ
Hầu hết các doanh nghiệp ở Nhật Bản đã bước vào chế độ thắt lưng buộc bụng ngay khi thảm họa hạt nhân năm 2011 xảy ra.

Tòa tháp Tokyo Tower chỉ được thắp sáng một phần để tiết kiệm điện. Ảnh: AFP

Biện pháp tắt các thiết bị ánh sáng không cần thiết và thang máy chạy không tải là hai trong số biện pháp được áp dụng rộng rãi nhất. Chính phủ Nhật Bản cũng khuyến khích công chức mặc quần áo nhẹ hơn trong mùa Hè như không mặc áo vét, không thắt cà vạt… để giảm bớt cường độ sử dụng máy điều hòa tại nơi làm việc.

Bộ Môi trường Nhật Bản còn tiến xa hơn với các biện pháp như tắt hơn một nửa số máy in tại cơ quan trong giờ cao điểm và yêu cầu nhân viên sử dụng đồ uống lạnh đem từ nhà đến để có thể ngắt nguồn điện tại các máy bán hàng tự động. Đối với hoạt động thể thao, giải trí, các đội bóng chày và bóng đá chuyên nghiệp tạm dừng các trận đấu ban đêm, chuyển sang buổi chiều để giảm nhu cầu chiếu sáng.

Mùa Hè năm 2022, Chính phủ Nhật Bản yêu cầu các hộ gia đình và các công ty tiết kiệm điện càng nhiều càng tốt trong mùa nhu cầu cao điểm vào mùa Hè để giảm bớt nguy cơ thiếu điện.

Một loạt các doanh nghiệp điều chỉnh giờ làm việc để giảm tải sử dụng điện trong giờ cao điểm. Các trung tâm thương mại tắt thang cuốn, các nhà máy giảm thời gian hoạt động của dây chuyền lắp ráp. Các sòng bạc pachinko - nổi tiếng với hệ thống hàng trăm bóng đèn nhấp nháy và máy đánh bạc ồn ào hoạt động liên tục 24/24 - tạm thời đóng cửa. Chính phủ yêu cầu đặt máy điều hòa không khí ở mức 28 độ C và tắt các thiết bị ánh sáng không cần thiết.

Tập đoàn sản xuất ô tô Nissan Motor đã điều chỉnh lại thời gian làm việc của nhà máy để giảm bớt gánh nặng cho lưới điện vào giờ cao điểm vào giữa buổi chiều. Chuỗi cửa hàng tiện lợi Lawson đã chuyển sang sử dụng bóng đèn LED và bổ sung các tấm pin Mặt Trời tại nhiều cơ sở sản xuất, cửa hàng của mình.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực xây dựng, vào tháng 4/2022, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua Luật sửa đổi liên quan đến việc cải thiện hiệu suất tiêu thụ năng lượng của các tòa nhà nhằm tiến tới một xã hội không phát thải carbon. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn của Luật bảo tồn năng lượng, hiện chỉ giới hạn ở các tòa nhà phi dân cư có diện tích sàn từ 300 m2 trở lên, sẽ trở thành bắt buộc đối với tất cả các tòa nhà dân cư và phi dân cư mới từ năm 2025

Ngoài ra, để thúc đẩy việc tiết kiệm năng lượng và ứng dụng thiết bị năng lượng tái tạo, Cục Tài chính Nhà ở Nhật Bản đã thành lập một chương trình cho vay lãi suất thấp dành cho nhà ở sử dụng các ứng dụng mới để tiết kiệm năng lượng.

Tại các khu vực được chính quyền thành phố chỉ định để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo, các kiến trúc sư sẽ được yêu cầu giải thích hiệu quả của việc sử dụng năng lượng tái tạo cho chủ sở hữu tòa nhà. Đồng thời, các thành phố sẽ có biện pháp phù hợp để giải quyết các quy định về hạn chế chiều cao và các trở ngại khác đối với việc cải tạo để tiết kiệm năng lượng.

Một yếu tố quan trọng để đạt được mục tiêu trung hòa carbon là sử dụng gỗ nhiều hơn trong cả cải tạo và xây mới. Để thúc đẩy việc tăng cường sử dụng gỗ, các hạn chế về chiều cao của các tòa nhà bằng gỗ sẽ được nâng lên mức tối đa là 16m, do đó sẽ tăng số lượng cấu trúc bằng gỗ ba tầng có thể được xây dựng.

Đối với các tòa nhà quy mô lớn, các quy định phòng cháy chữa cháy sẽ được sắp xếp hợp lý để cho phép toàn bộ tòa nhà được làm bằng gỗ, được sử dụng vật liệu gỗ có tiết diện lớn hoặc cho phép xây dựng một phần gỗ có chức năng chống cháy. Thông qua các biện pháp này, mức tiêu thụ năng lượng của các tòa nhà vào năm 2030 dự kiến sẽ giảm khoảng 8,89 triệu kW so với mức của năm 2013.

Theo chuyên gia Koichiro Tanaka thuộc Viện Kinh tế Năng lượng của Nhật Bản, khi ý thức được nguy cơ khủng hoảng năng lượng, người dân Nhật Bản thấy cần phải hành động. Ông cho rằng áp lực xã hội, điều đã đảm bảo người dân gần như hoàn toàn tuân thủ việc đeo khẩu trang trong đại dịch COVID-19, cũng đóng một vai trò quan trọng cho chiến dịch tiết kiệm điện.

Cùng với nguy cơ thiếu nguồn cung nhiên liệu, mục tiêu đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050 chính là những lý do khiến cho việc tiết kiệm năng lượng tại Nhật Bản trở thành một vấn đề ưu tiên. Chính vì vậy, tiết kiệm điện, hay "setsuden", trở thành một dự án quốc gia của Nhật Bản kể từ sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cả người dân và doanh nghiệp.

Nguyễn Tuyến