Kiến nghị gỡ khó cho 63 dự án vướng đất nông nghiệp
Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản báo cáo UBND TP về giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn TP.
Theo Sở Xây dựng, các trường hợp dự án nhà ở đã bồi thường có nguồn gốc là đất nông nghiệp và đất chuyên dùng khác đang vướng quy định pháp luật. Do đó, sở không thể làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư (CĐT).
Doanh nghiệp ách tắc
Theo rà soát của Sở Xây dựng, tính từ ngày 10-12-2015 (ngày Nghị định 99/2015 hướng dẫn Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực) đến nay, TP đã chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận CĐT với 63 dự án nhà ở thương mại.
Các dự án này có nguồn gốc đất do bồi thường đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng. Đồng thời, cả 63 dự án này đều đã xác định là đất ở trong các đồ án quy hoạch được duyệt.
Trong 63 dự án trên có 45 dự án có văn bản công nhận CĐT đã hết hiệu lực thi hành. Bảy dự án có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư còn hiệu lực thi hành nhưng chưa được TP công nhận CĐT, chấp thuận đầu tư. 11 dự án còn lại đã được chấp thuận đầu tư.
Theo quy định của Luật Nhà ở 2014, doanh nghiệp (DN) kinh doanh bất động sản muốn được công nhận đầu tư dự án nhà ở thì phải có quyền sử dụng đất ở hợp pháp.
Yêu cầu này khiến dự án của các DN bị vướng, bởi trên thực tế rất ít trường hợp thỏa được điều kiện trên. Do đó, nhiều hồ sơ của DN tại TP.HCM bị ách tắc trong nhiều năm qua.
Từ tháng 10-2016, Sở Xây dựng đã có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng tháo gỡ vướng mắc này.
“Đối với diện tích đất có nguồn gốc bồi thường là đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng, phù hợp quy hoạch là đất ở hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất hoặc đã được ghi trong quyết định thu hồi đất khi thực hiện giải phóng mặt bằng là để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì diện tích đó được xem như là đất ở” - văn bản kiến nghị của Sở Xây dựng nêu.
Kiến nghị trên đã được Bộ Xây dựng chấp thuận. Tuy nhiên, bộ này lại đề nghị TP phải có văn bản báo cáo xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Đến tháng 11-2016, Bộ Xây dựng có văn bản báo cáo Thủ tướng về vướng mắc của TP.HCM và kiến nghị Thủ tướng cho phép thực hiện theo quan điểm của TP.
Tháng 10-2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo UBND TP rà soát, tổng hợp các trường hợp dự án đang sử dụng đất như đã nêu trên.
Đã hơn hai năm, dù các DN bất động sản tại TP và Hiệp hội Bất động sản TP cũng đã kiến nghị nhiều lần về vấn đề này nhưng vẫn chưa được tháo gỡ.
Chờ Thủ tướng quyết
Trong báo cáo gửi UBND TP, Sở Xây dựng trình TP kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho TP phương án “có quyền sử dụng đất ở hợp pháp” đối với dạng dự án nêu trên.
Trong trường hợp Thủ tướng chấp thuận nội dung kiến nghị này thì TP sẽ phân hai nhóm dự án ra để xử lý.
Cụ thể, nhóm 1: Gồm 45 dự án có văn bản công nhận CĐT đã hết hiệu lực thi hành. Theo đó, TP sẽ thực hiện lại thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận CĐT theo quy định.
Nhóm 2: Gồm 18 dự án, trong đó năm dự án đã được TP ban hành quyết định thu hồi, giao đất, đã chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Bảy dự án đã có văn bản của TP chấp thuận chủ trương đầu tư còn hiệu lực thi hành nhưng chưa công nhận CĐT, chấp thuận đầu tư.
Sáu dự án đã được TP chấp thuận đầu tư nhưng chưa ban hành quyết định thu hồi, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Nhóm này, TP sẽ hướng dẫn nhà đầu tư tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư dự án.
Trong trường hợp Thủ tướng không chấp thuận kiến nghị của TP, cách xử lý cũng chia thành hai nhóm.
Cụ thể, nhóm 1: Có 58 dự án, gồm 45 dự án có văn bản công nhận CĐT đã hết hiệu lực thi hành.
Bảy dự án có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư còn hiệu lực thi hành nhưng chưa công nhận CĐT, chấp thuận đầu tư.
Sáu dự án đã chấp thuận đầu tư nhưng chưa ban hành quyết định thu hồi, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Nhóm này, TP sẽ yêu cầu nhà đầu tư thực hiện lại thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Nhóm 2: Có năm dự án đã được TP ban hành quyết định thu hồi, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính và cấp giấy chứng nhận.
Với nhóm này, Sở Xây dựng cho rằng nếu yêu cầu CĐT thực hiện lại thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và công nhận CĐT theo Luật Nhà ở thì phải hủy bỏ các quyết định thu hồi đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở hoặc yêu cầu Nhà nước phải hoàn lại tiền sử dụng đất CĐT đã nộp.
“Việc này sẽ phát sinh yêu cầu về bồi thường nhà nước hoặc khiếu nại của CĐT. Do đó, TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép CĐT tiếp tục thực hiện hoàn tất các thủ tục đầu tư tiếp theo và triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật hiện hành” - văn bản của Sở Xây dựng TP nêu.
Tỷ trọng ngành bất động sản giảm
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong hai năm 2018, 2019, tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản luôn thấp hơn tăng trưởng chung của TP.
Tỉ trọng của ngành bất động sản trong tổng sản phẩm GRDP của TP giảm sút từ 7,3% xuống 4,1%. Điều này kéo theo tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng tăng thấp.
Riêng năm 2019, TP chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận CĐT của bốn dự án nhà ở thương mại. TP cũng chấp thuận cho đầu tư 16 dự án nhà ở thương mại.