|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kiến nghị dành hơn 72.000 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi kinh tế cho 729 km cao tốc Bắc - Nam

15:24 | 10/12/2021
Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ của cao tốc Bắc - Nam là khoảng 146.990 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2021-2025 cần bổ sung khoảng 72.497 tỷ đồng cho dự án, kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, theo Zing.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước, được quy hoạch dài 2.063 km, đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn là 8 - 10 làn xe, đoạn Cần Thơ - Cà Mau 4 làn xe.

Kiến nghị dành hơn 72.000 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi kinh tế cho 729 km cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 1.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Văn Thể. (Ảnh: Quốc hội).

Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ khoảng 146.990 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 được bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng (chiếm 81,4%). Giai đoạn 2026-2030 sẽ bố trí phần còn lại khoảng 27.324 tỷ đồng (chiếm 18,6%).

Theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua vào tháng 7, dự kiến bố trí cho Dự án khoảng 47.169 tỷ đồng. 

Như vậy, giai đoạn 2021 - 2025 cần bổ sung khoảng 72.497 tỷ đồng cho Dự án, kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư dự án, xác định “đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông”.

Song theo ông Thanh, việc Chính phủ dự kiến phần vốn Nhà nước bổ sung cho dự án cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ông đề nghị Chính phủ tính toán kỹ, đề xuất danh mục chi tiết dự án nào đáp ứng tiêu chí, nguyên tắc và bảo đảm điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

“Ưu tiên dự án đang triển khai giải ngân tốt, có khả năng đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành, vừa phát huy hiệu quả của chính sách kích thích kinh tế trong giai đoạn 2022-2023, vừa bảo đảm nguồn vốn để triển khai dự án thành phần trong Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025”, ông Thanh nêu quan điểm.

Theo TTXVN, phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là dự án đặc biệt quan trọng, cần được triển khai nhanh, gấp rút và cần tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng.

Chủ tịch Quốc hội nhận định thực tiễn triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã mất rất nhiều thời gian. Việc thay đổi phương thức đấu thầu, thay đổi phương thức đầu tư khiến dự án giai đoạn 2017-2020 kéo dài thêm 3-4 năm. Do đó, “không được để dự án giai đoạn này giống như giai đoạn trước."

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 tại kỳ họp bất thường của Quốc hội diễn ra sắp tới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cân nhắc và thuyết minh rõ hơn phương án đầu tư dự án theo quy mô 4 làn xe 24,75m so với quy mô 4 làn xe mặt đường 17m để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong quá trình khai thác, mở rộng đợt sau, nhất là đối với đoạn có nền đất yếu như Cần Thơ, Cà Mau, nơi không có sẵn nguyên vật liệu tại chỗ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, điều hòa nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để ưu tiên cho các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong hai năm 2022-2023.

Theo ông Hải, Chính phủ thống nhất giao Bộ GTVT quản lý đầu tư toàn bộ dự án; chỉ giao kinh phí và việc thực hiện giải phóng mặt bằng cho các địa phương, không giao làm chủ đầu tư dự án thành phần.

Lý do, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu giao địa phương làm chủ đầu tư dự án thành phần thì không phù hợp với quy định của các luật liên quan và cũng khó đảm bảo chất lượng, tiến độ, tính thống nhất trong quá trình thực hiện. 

Đây là Dự án quan trọng quốc gia, yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng cao và đòi hỏi thi công đồng bộ nên cần quản lý tập trung, thống nhất về quan điểm.

Phương Trang