|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kiểm tra tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi

20:45 | 17/04/2022
Chia sẻ
Ngày 17/4, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thăm và làm việc tại nhà máy sản xuất vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi của Công ty TNHH MTV AVAC Việt Nam.

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thăm và làm việc tại nhà máy sản xuất vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi của Công ty TNHH MTV AVAC Việt Nam. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV AVAC Việt Nam cho biết, công ty có nhà máy sản xuất vaccine thú y xây dựng theo chuẩn GMP-WHO đầu tiên ở Việt Nam.

Công ty có các dây chuyền sản xuất vaccine virus trên phôi trứng, dây chuyền sản xuất vaccine virus trên tế bào, dây chuyền sản xuất vaccine lở mồm long móng vô hoạt, dây chuyền sản xuất vaccine vi khuẩn, dây chuyền phối trộn và chia liều vaccine vô hoạt, dây chuyền chia liều và đông khô vaccine nhược độc và phòng nghiên cứu và phát triển R&D. Nhờ đó, hiện công ty đã có 36 sản phẩm vaccine đã được lưu hành.

Riêng về dự án Nghiên cứu sản xuất vaccine nhược độc đông khô phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi được khởi động tháng 10/2020. Qua quá trình nghiên cứu, sản xuất, đến nay vaccine của công ty đang được khảo nghiệm.

Theo ông Nguyễn Văn Điệp, để đăng ký lưu hành vaccine thì theo quy định chỉ cần đạt kết quả về kiểm nghiệm, khảo nghiệm tại cơ sở. Việc thực hiện khảo nghiệm tại 2 trại chăn nuôi lợn tại Vĩnh Phúc và Bắc Giang cho kết quả tốt. Đàn lợn không được tiêm vaccine đã bị chết 100% còn số lợn được tiêm vaccine vẫn được bảo hộ tốt 100%. Việc khảo nghiệm này sẽ kết thúc vào 21/4.

Tuy nhiên, do đây là vaccine đầu tiên trên thế giới nên cơ quan quản lý yêu cầu làm kỹ hơn và Công ty đã chủ động đề xuất cho sử dụng vaccine tại 4 trang trại có quy mô từ 300-20.000 lợn thịt từ ngày 3/4. Đây là quy mô khác nhau trong điều kiện chăn nuôi thực tế.

Nếu đạt được tiêu chí của vaccine hiệu quả, an toàn thì đây sẽ là cơ sở quan trọng để đưa vaccine sử dụng trong diện rộng, ông Nguyễn Văn Điệp cho hay.

Công ty TNHH MTV AVAC Việt Nam đề nghị, Cục Thú y tạo điều kiện thành lập hội đồng đánh giá hồ sơ đăng ký lưu hành vaccine AVAC ASF Live của công ty.

Qua làm việc với doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị doanh nghiệp tiếp tục đánh giá các tiêu chí để khẳng định tính bền vững của vaccine; quy trình sản xuất; trong kiểm nghiệm, khảo nghiệm thì các chỉ tiêu về kinh tế - kỹ thuật vaccine cũng cần phải có đánh giá chặt chẽ.

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thăm và làm việc tại nhà máy sản xuất vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi của Công ty TNHH MTV AVAC Việt Nam. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Về tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết thêm, triển khai nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi từ năm 2019, đến nay, các công đoạn nghiên cứu đã tiến hành kiểm nghiệm, khảo nghiệm. Về trình tự thủ tục hiện nay đã tương đối cơ bản đã xong. Hội đồng khoa học đã họp 2 phiên, hồ sơ cơ bản hoàn thiện.

"Bộ sẽ tổ chức một cuộc họp với các thành viên liên quan để rà soát lần cuối để tiếp tục hoàn hiện hồ sơ. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ công bố vaccine dịch tả lợn châu Phi", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, khi nghiên cứu bài bản, đúng quy định, chúng ta có niềm tin về liều lượng, thời điểm, độ dài miễn dịch và việc đáp ứng miễn dịch rất cao. Đây là những căn cứ khoa học, thực tiễn, pháp lý để đủ điều kiện công bố vaccine. Trong khi triển khai, Bộ chỉ đạo Cục Thú y giao các Chi cục Thú y cùng các doanh nghiệp tiếp tục theo dõi và đánh giá ở quy mô hẹp. Như vậy, các bước đi rất thận trọng và chắc chắn.

Tháng 02/2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi lần đầu tiên xâm nhiễm vào Việt Nam, sau đó lây lan ra phạm vi cả nước, buộc phải tiêu hủy khoảng 6 triệu con lợn, thiệt hại trên 30.000 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số CPI. Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái đàn, tăng đàn. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước, nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo được chăn nuôi an toàn sinh học.

Hiện có 3 doanh nghiệp là Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương Navetco, Công ty TNHH MTV AVAC Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco đang nghiên cứu sản xuất vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Bích Hồng