Kiểm toán Nhà nước: Loạt công ty con của Sonadezi và Vinafor thua lỗ, một số doanh nghiệp thuộc Vicem có dấu hiệu mất an toàn tài chính
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán lĩnh vực doanh nghiệp đến cuối tháng 9/2022 đối với các báo cáo kiểm toán đã phát hành thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2022 và các báo cáo kiểm toán chuyển từ kế hoạch kiểm toán năm 2021 sang 2022.
Hàng chục công ty con của Vinafor, Sonadezi thua lỗ
Cụ thể, KTNN cho biết, một số đơn vị đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, thua lỗ lớn như tại Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) có tới 7/21 công ty thua lỗ; tại Sonadezi, 4/22 công ty thua lỗ, số lỗ lũy kế hơn 111 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tại Vinafor, 5/21 khoản đầu tư của tổng công ty vào công ty liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ, mất vốn.
Báo cáo cũng nêu ra các công ty thuộc Tổng công ty xi măng Việt Nam (Vicem) như Vicem Tam Điệp, Vicem Hạ Long, Vicem Sông Thao có dấu hiệu mất an toàn tài chính.
Một số đơn vị có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ được phê duyệt nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định như Công ty mẹ Tổng công ty Đông Bắc (thuộc Bộ Quốc Phòng) là 221,96 tỷ đồng; Công ty mẹ Vicem 4.350,97 tỷ đồng
KTNN cũng kêu tên một số doanh nghiệp còn nhiều diện tích đất chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý như Tổng công ty Đông Bắc (144,6 ha); Tổng công ty xi măng Việt Nam (Vicem - 161,09 ha); Tổng công ty Bưu Điện Việt Nam (VNPost - 0,2 ha).
Tổng công ty Đông Bắc còn được KTNN nêu tên vì khai thác khoáng sản (KTKS) không đạt công suất theo giấy phép. Các công thành viên của Đông Bắc như Công ty 790, Công ty 91, Công ty 45, Công ty 35, Công ty 397, Công ty Khai thác Khoáng sản, Công ty Khe Sim chưa lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác.
Còn CTCP Đầu tư xây dựng và Vật liệu Đồng Nai (Mã: DND), công ty con của Sonadezi chưa lập và nộp hồ sơ kê khai đối với tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đi kèm.
Kiểm toán từ xa dựa trên dữ liệu số còn nhiều bất cập
Theo đánh giá của KTNN, trong năm để thích ứng an toàn, linh hoạt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và từng bước chuyển đổi từ phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số, hướng tới môi trường kiểm toán số bảo mật và tích hợp, KTNN đã tổ chức thí điểm kiểm toán từ xa đối với cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Việc kiểm toán trên môi trường số đã phần nào tiết kiệm thời gian, chi phí kiểm toán; giảm thiểu tác động của yếu tố bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh; góp phần tăng tính minh bạch trong hoạt động kiểm toán...
Tuy nhiên, đối với hoạt động kiểm toán, đến nay các văn bản hướng dẫn chi tiết về quyền của KTNN trong việc truy cập, khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán còn chưa đầy đủ, nhất là các quy định về bảo mật, an toàn và xác thực dữ liệu điện tử, chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc không nghiêm túc cung cấp tài liệu, dữ liệu cho KTNN.
Hầu hết hồ sơ, tài liệu, chứng từ của đơn vị được kiểm toán phục vụ quá trình thu thập bằng chứng kiểm toán vẫn được lưu trữ dưới dạng vật chất, chưa số hóa; sự tương tác giữa kiểm toán viên với đơn vị được kiểm toán qua hệ thống công nghệ thông tin còn chịu ảnh hưởng, giới hạn về kỹ thuật, công nghệ và chưa hiệu quả như làm việc trên thực địa…, báo của KTNN nêu.
KTNN nhìn nhận: "Quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam còn chậm, khoảng cách so với các nước trên thế giới; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn khiêm tốn, thiếu tính hệ thống và đồng bộ; hoạt động kiểm toán trên môi trường số còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cần từng bước triển khai phù hợp".