|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Kiếm tiền không còn dễ, các tài xế công nghệ chán nản với công việc

13:14 | 05/10/2023
Chia sẻ
Mới đây, tờ South China Morning Post đã có bài viết phản ánh tình trạng "thừa xế, thiếu khách" trong lĩnh vực gọi xe công nghệ, giao đồ ăn ở khu vực Đông Nam Á.

Với mức thu nhập thấp, rủi ro cao và thuật toán của ứng dụng, việc chạy vòng quanh những con đường ngập mưa ở TP HCM nhanh chóng mất đi sự hấp dẫn đối với Linh Nguyễn - một người giao đồ ăn của ShopeeFood.

"Số tiền kiếm được chỉ đủ cho tôi trang trải tiền thuê nhà và các chi phí hàng tháng. Tôi không thể hỗ trợ bố mẹ mình", Linh chán nản tính đổi công việc khác sau nửa năm tham gia đội quân giao hàng. Linh nhớ những ngày mới đi giao đồ ăn, đơn hàng báo về liên tục và những vị khách hào phóng khiến cô cũng cảm thấy phấn chấn.

Tuy vậy, ngày vui ngắn chẳng tày gang, cơ thể của nữ tài xế đau nhức sau 10 giờ chạy xe ngoài đường và mức thu nhập chỉ khoảng 5 - 6,8 triệu đồng/tháng không đủ để tiếp thêm động lực cho cô mạo hiểm trên đường, tranh giành khách hàng.

Tài xế của các hãng gọi xe, giao đồ ăn công nghệ xếp hàng chờ nhận đồ từ một cửa hàng trà sữa ở TP HCM. (Ảnh: Thùy Trang).

Sự tăng trưởng của hoạt động đặt hàng trực tuyến tại châu Á trong nhiều năm qua đã biến lĩnh vực này thành mảnh đất màu mỡ cho những tên tuổi như Grab, ShopeeFood, Gojek... Những cái tên này đã góp phần thay đổi thói quen của người tiêu dùng thông qua hoạt động vận tải và giao hàng, đồng thời cung cấp hàng triệu việc làm mới, tạo ra thuật ngữ kinh tế chia sẻ (gig economy).

Từ những con đường tắc nghẽn giao thông ở Bangkok đến những con đường đông đúc của Jakarta hay những con hẻm chật hẹp của TP HCM, tất cả đều trở nên nổi bật với những bóng áo xanh lá cây, da cam... của đội quân tài xế công nghệ.

Kinh tế chia sẻ góp phần tạo ra việc làm cho những người cần một nguồn thu nhập linh hoạt hay công việc làm thêm cho sinh viên hoặc thậm chí là những lao động vừa mất việc. Tuy nhiên, sự phát triển nóng của lĩnh vực này cũng tạo ra nhiều hệ lụy. Từ các khoản phí cao, ngày càng bòn rút thu nhập tới tình trạng dư thừa tài xế.

Tờ South China Morning Post chỉ ra rằng các công ty sở hữu nền tảng ngày càng ăn nên làm ra từ việc thu phí cả tài xế lẫn các cửa hàng đối tác.

Theo nghiên cứu thị trường từ Modor Intelligence Report, chỉ riêng tại Việt Nam, lĩnh vực gọi xe được dự đoán sẽ thu về khoảng 1 tỷ USD trong năm nay và tăng lên 2,61 tỷ USD vào năm 2028.

Nghiên cứu cũng cho thấy thị trường gọi xe của Thái Lan được định giá 2,26 tỷ USD và dự kiến ​​sẽ đạt 4,6 tỷ USD ở giai đoạn tương tự, trong khi thị trường Indonesia được định giá 2,67 tỷ USD và dự kiến ​​sẽ vượt 4,66 tỷ USD.

Từ lâu, các tài xế không được xem là nhân viên của hãng và họ như những tay lao động tự do, phải chịu rủi ro cao khi hành nghề.

“Nhiều tài xế như hiện tại thì thật khó để kiếm được thu nhập tốt,” tài xế Khang Nguyễn của Gojek nói. Khang đã bỏ việc công nhận tại một nhà máy tham gia vào đội quân tài xế công nghệ từ ba tháng trước.

Hiện, nam tài xế này sẵn sàng từ bỏ công việc khi chỉ kiếm được khoảng 5 triệu đồng/tháng khi phải chạy xe 11 giờ mỗi ngày. Ngoài ra, anh cho biết ban đêm có những đoạn đường vắng và đáng sợ.

Một cuộc khảo sát năm 2023 của trang web so sánh lương toàn cầu Sala Explorer cho thấy những tài xế công nghệ ở Việt Nam, làm việc theo tiêu chuẩn 48 giờ/tuần, kiếm được trung bình 4,91 triệu đồng mỗi tháng sau khi trừ chi phí. Con số này cao hơn một chút so với mức lương tối thiểu 4,68 triệu đồng.

Ngoài thu nhập thấp, những người tham gia nền kinh tế chia sẻ cho biết họ không nhận được những phúc lợi cơ bản như một lao động chính thức, chẳng hạn như bảo hiểm xã hội, nghỉ thai sản và nghỉ sinh con, nghỉ phép hàng năm hoặc trả lương làm thêm giờ...

Tại Việt Nam, tài xế công nghệ thường chỉ nhận được bảo hiểm tai nạn. Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc tiếp cận các chương trình phúc lợi xã hội và bảo hiểm y tế vẫn còn thấp ở những người tài xế công nghệ trẻ tuổi.

An Hà, sinh viên CNTT tại một trường đại học ở Hà Nội, nói rằng làm việc bán thời gian cho Grab để phụ giúp bố mẹ ở quê nhà. "Giao thông ở đây vận hành theo kiểu nhanh và luồn lách. Ngay cả khi tôi vi phạm an toàn giao thông, tai nạn vẫn có thể xảy ra".

Anh Hà đã mua bảo hiểm y tế cho mình để phòng bị.

Trả lời các câu hỏi về các biện pháp bảo vệ dành cho tài xế giao hàng, Grab cho biết trong một tuyên bố rằng họ cung cấp “một chương trình toàn diện” bao gồm các phúc lợi “bảo hiểm miễn phí liên quan đến công việc cho các đối tác”.

Foodpanda cũng cho biết họ cung cấp bảo hiểm tai nạn cá nhân cho tất cả tài xế.

Thùy Trang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.