|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kiểm soát chặt tàu ra vào tại các cảng cá nhằm gỡ 'thẻ vàng'

14:24 | 14/08/2019
Chia sẻ
Nhiều khả năng đoàn EC sẽ vào tỉnh Khánh Hòa để kiểm tra về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Kiểm soát chặt tàu ra vào tại các cảng cá nhằm gỡ 'thẻ vàng' - Ảnh 1.

Tàu cá trên vùng biển. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Dự kiến đầu tháng 11 tới, đoàn công tác của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam để giám sát việc thực thi khuyến nghị mà họ đã đưa ra nhằm gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.

Nhiều khả năng đoàn EC sẽ vào tỉnh Khánh Hòa để kiểm tra về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại để sớm tháo gỡ.

Trong thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã tăng cường sâu rộng thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định tại cảng cá, xã phường ven biển, khu vực có nghề cá trọng điểm cho chủ tàu, ngư dân, thuyền trưởng, chủ cơ sở hậu cần khai thác.

Tỉnh hướng dẫn ngư dân nắm bắt ranh giới vùng biển Việt Nam với các nước để không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Cụ thể từ năm 2018 đến nay, Khánh Hòa đã tổ chức 69 đợt tuyên truyền đến hàng lượt chủ tàu cá về Luật Thủy sản năm 2017, chống khai thác IUU; lắp các bảng tuyên truyền chống hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, gắn logo an toàn cá heo trên 600 tàu cá hoạt động thường xuyên ở vùng biển xa…

Qua tuyên truyền, toàn bộ chủ tàu, thuyền trưởng của 768 tàu cá xa bờ đã ký cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Song song với đó, tỉnh Khánh Hòa cũng đã cho thành lập 4 văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng: Hòn Rớ, Đá Bạc, Vĩnh Lương, Đại Lãnh. Bước đầu ghi nhận tại các văn phòng đại diện hoạt động đều ổn định.

Từ khi thành lập vào tháng 4/2018 đến nay, các văn phòng đã kiểm tra hơn 9.500 lượt tàu cá rời cảng, cập cảng lên cá, với tổng sản lượng hải sản khai thác được gần 55.000 tấn.

Việc kiểm soát tàu cá xuất nhập bến tại cảng cá được quản lý chặt; kịp thời cấp giấy xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản 878 lô hàng xuất khẩu; trong đó, có 623 lô hàng xuất sang thị trường châu Âu, với tổng sản lượng hơn 8.100 tấn.

Ngoài ra, đến nay Khánh Hòa đã gắn được 58 thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá; trong đó, có 24 tàu chiều dài từ 24m trở lên. Trong 7 tháng năm nay, Khánh Hòa không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Theo ông Võ Nam Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Khánh Hòa, để góp phần gỡ “thẻ vàng,” tỉnh đã chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung quyết liệt triển khai các giải pháp về chống khai thác IUU. 

Trong đó, tỉnh đã tổ chức 3 chuỗi liên kết khai thác, thu mua, tiêu thụ cá ngừ giữa doanh nghiệp chế biến với 3 tổ hợp tác nghề cá trên địa bàn thành công và hiệu quả.

Tỉnh cũng tiếp tục hoàn thiện hoạt động của 8 nghiệp đoàn nghề cá, 70 tổ hợp tác nghề cá tham gia khai thác vùng biển xa, giúp nhau, hỗ trợ nhau khi hoạt động trên biển và nhắc nhở nhau không vi phạm quy định chống khai thác IUU.

Kiểm soát chặt tàu ra vào tại các cảng cá nhằm gỡ 'thẻ vàng' - Ảnh 2.

Cá mú biển là loài có giá trị kinh tế cao. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Đối với việc nâng cấp thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình, tỉnh đã phối hợp với Đài Thông tin Duyên hải Nha Trang tuyên truyền sẽ lắp máy Movimar cho 35 tàu (chiều dài 24m trở lên) theo quy định. 

Việc nâng cấp thiết bị VX-1700 lắp trên tàu và trạm bờ tự động báo vị trí tàu về trạm bờ. Đến nay, Công ty cổ phần Thiết bị hàng hải MeCom đã tiến hành khảo sát 2 lần nhưng chưa thành công.

Số tàu còn lại, tỉnh cũng đang thực hiện khẩn trương lắp đặt. Qua theo dõi và thông tin từ các chủ tàu, thiết bị đang ổn định, tự động báo cáo vị trí tàu theo tần suất 2 giờ/lần, truy xuất được các dữ liệu, báo cáo theo quy định.

Với những nỗ lực của mình, Khánh Hòa đang dần khắc phục được những vấn đề khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định theo khuyến nghị của EC.

Tuy nhiên, qua kiểm tra mới nhất vào ngày 9/8 của đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu, vẫn còn nhiều hạn chế trong việc triển khai Luật Thủy sản và chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Cụ thể, qua kiểm tra việc ghi chép nhật ký cho thấy nhiều nội dung chưa chính xác, ví dụ như các số liệu ghi chép tàu ra vào cảng; quy trình xác nhận nguồn gốc thủy sản đánh bắt còn chưa hoàn thiện. 

Bên cạnh đó, hồ sơ lưu trữ tại Ban quản lý cảng cũng rất lộn xộn. Vì vậy, nếu EC vào kiểm tra yêu cầu số liệu chắc chắn đơn vị sẽ không cung cấp kịp.

Ghi nhận những hạn chế do đoàn công tác chỉ ra, ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng cơ quan chuyên môn phải bắt tay vào khắc phục, áp dụng công nghệ thông tin cho việc lưu giữ hồ sơ, dữ liệu, nhật ký hành trình được tìm nhanh chóng và chính xác, đáp ứng được yêu cầu của đoàn EC khi kiểm tra.

Bên cạnh đó, để việc thực hiện chống khai thác IUU có hiệu quả, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cũng kiến nghị đến đoàn công tác nhiều vấn đề như: cần tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các vùng biển khơi, đặc biệt các ngư trường giáp danh chồng lấn giữa Việt Nam và các nước lân cận, kịp thời ngăn chặn các tàu cá có dấu hiệu vi phạm.

Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng kiến nghị sớm thẩm định công bố hệ thống thiết bị giám sát hành trình phù hợp với quy định về quản lý hệ thống giám sát tàu cá và hướng dẫn để địa phương phổ biến cho chủ tàu lắp đặt.

Phan Sáu