|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khung pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh đã sẵn sàng

11:08 | 07/05/2017
Chia sẻ
Từ ngày 1-5-2017, Thông tư số 23/2017/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 16-3-2017 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 11/2016/TT-BTC về chứng khoán phái sinh nhằm tháo gỡ khó khăn pháp lý để thị trường này phát triển bắt đầu có hiệu lực.

Từ ngày 1-5-2017, Thông tư số 23/2017/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 16-3-2017 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 11/2016/TT-BTC về chứng khoán phái sinh nhằm tháo gỡ khó khăn pháp lý để thị trường này phát triển bắt đầu có hiệu lực

Ngày 19-1-2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 11/2016/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định 42/2015/NĐ-CP ngày 5-5-2015 về chứng khoán phái sinh (CKPS) và thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc triển khai TTCKPS. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế, quy định tại Thông tư 11 đã gây ra những khó khăn nhất định cho các đối tượng tham gia thị trường trong quá trình xây dựng hệ thống công nghệ thông tin và xử lý nghiệp vụ, như: quy định mở tài khoản tiền gửi ký quỹ cho nhà đầu tư tại ngân hàng; quy định về thanh toán lãi/lỗ vị thế giao dịch CKPS; bổ sung cơ chế vay/cho vay chứng khoán của Trung tâm Lưu ký chứng khoán; quy định về tài khoản giao dịch tổng...

khung phap ly cho thi truong chung khoan phai sinh da san sang

Ảnh: Mai Lương

Thông tư số 23/2017/TT-BTC có một số điểm sửa đổi đáng lưu ý như sau:

Liên quan đến quy định về tài khoản giao dịch tổng, ngay tại điều 2 về “Giải thích từ ngữ”, Thông tư 23 đã bổ sung thêm khoản 24 định nghĩa về “Tài khoản giao dịch tổng”. Theo đó, tài khoản giao dịch tổng là tài khoản giao dịch của nhà đầu tư mà các vị thế mua và bán của cùng một hợp đồng tương lai (có cùng tài sản cơ sở và cùng tháng đáo hạn) được mở và duy trì cho đến khi thành viên bù trừ có đề nghị thực hiện đối trừ trên cơ sở thỏa thuận hoặc yêu cầu của nhà đầu tư.

Cùng với việc nêu rõ định nghĩa về tài khoản tổng, khoản 4, điều 7 về “Tài khoản giao dịch của nhà đầu tư” cũng bổ sung các trường hợp cụ thể được lựa chọn mở tài khoản giao dịch tổng. Thứ nhất là các công ty quản lý quỹ được mở một tài khoản giao dịch tổng cho nhà đầu tư ủy thác trong nước và một tài khoản giao dịch tổng cho nhà đầu tư ủy thác nước ngoài. Thứ hai, công ty chứng khoán thành lập ở nước ngoài được mở một tài khoản giao dịch tổng để thực hiện hoạt động môi giới CKPS cho các nhà đầu tư nước ngoài. Còn lại các trường hợp khác thì theo hướng dẫn của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Về cơ bản, với việc ra đời Thông tư 23/2017/TT-BTC thì khung pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh đã hoàn chỉnh theo hướng cởi mở và hỗ trợ cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Về tài khoản ký quỹ của nhà đầu tư, theo quy định tại khoản 1, điều 8 của Thông tư 11 trước đây thì thành viên bù trừ phải mở cho mỗi nhà đầu tư một tài khoản tiền gửi ký quỹ riêng biệt tại ngân hàng. Tuy nhiên, quy định tại Thông tư 23 không quy định “cứng” việc này, chỉ yêu cầu công ty chứng khoán mở tài khoản tiền gửi ký quỹ cho nhà đầu tư tại ngân hàng đứng tên công ty chứng khoán. Theo đó, công ty chứng khoán có thể mở một tài khoản tổng để quản lý toàn bộ tiền ký quỹ của nhà đầu tư. Tiền gửi ký quỹ này thuộc sở hữu của nhà đầu tư, không thuộc sở hữu của thành viên bù trừ.

Về hoạt động thanh toán của nhà đầu tư, Thông tư 23 đã sửa đổi, bổ sung thêm điểm a, b thuộc khoản 1, điều 9 của Thông tư 11 trước đây. Theo đó, các trường hợp tính toán và thanh toán lãi/lỗ vị thế tại ngày giao dịch trước ngày giao dịch cuối cùng và trong ngày giao dịch cuối cùng được nêu rõ trong bốn trường hợp; (i) thanh toán lãi/lỗ đối với các vị thế đã mở trước đó; (ii) thanh toán lãi/lỗ đối với các vị thế mở mới và đóng ngay trong ngày; (iii) thanh toán đối với các vị thế đã mở trước đó và đóng trong ngày; (iv) thanh toán đối với các vị thế mở mới trong ngày.

Đối với hợp đồng thanh toán bằng tiền, việc thanh toán hợp đồng được hoàn tất khi hoàn tất thanh toán lãi/lỗ của ngày giao dịch cuối cùng. Đối với hợp đồng thanh toán bằng hình thức chuyển giao tài sản cơ sở, bên bán phải chuyển giao tài sản cơ sở và bên mua phải thực hiện thanh toán bằng tiền theo các điều khoản của hợp đồng và quy chế của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Về hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch CKPS, Thông tư 23 có sự sửa đổi trong điểm b, đồng thời bổ sung thêm điểm c trong khoản 3, điều 19 của Thông tư 11. Theo đó, thành viên bù trừ được sử dụng chứng khoán vay từ hệ thống của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam để thanh toán. Trường hợp thành viên bù trừ không đủ tiền để thanh toán hoặc trái phiếu chính phủ (TPCP) để chuyển giao, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam được thực hiện thanh toán hợp đồng tương lai TPCP theo hình thức bằng tiền. Trong trường hợp này, thành viên bù trừ không đủ tiền để thanh toán hoặc TPCP để chuyển giao có trách nhiệm bồi thường cho thành viên bù trừ liên quan thông qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, với số tiền có giá trị không thấp hơn 5% giá trị thanh toán hợp đồng. Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam quy định việc xác định giá trị và phương thức thanh toán bồi thường.

Về xử lý trường hợp mất khả năng thanh toán, Thông tư 23 đã sửa đổi, đồng thời bổ sung thêm điểm d, khoản 2, điều 24 so với Thông tư 11, trong đó quy định rõ: trường hợp thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán và đã được Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam thực hiện các biện pháp hỗ trợ thanh toán, thành viên bù trừ có trách nhiệm hoàn trả Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam toàn bộ phần tài sản đã sử dụng từ quỹ bù trừ, quỹ dự phòng rủi ro và các nguồn khác để đảm bảo thanh toán và chịu mọi chi phí phát sinh liên quan.

Như vậy, về cơ bản, với việc ra đời Thông tư 23/2017/TT-BTC thì khung pháp lý cho TTCKPS đã hoàn chỉnh theo hướng cởi mở và hỗ trợ cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã chấp thuận cho sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam ban hành năm quy chế hướng dẫn về giao dịch và thanh toán bù trừ CKPS cũng như phê duyệt các mẫu hợp đồng CKPS để giao dịch khi TTCKPS chính thức vận hành. Đây là một tín hiệu vui về việc sẽ chính thức ra mắt TTCKPS tại Việt Nam trong thời gian tới.

Linh Trang