|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Khủng hoảng Nga-Ukraine ảnh hưởng tới Mỹ Latinh qua biến động giá nguyên liệu

22:10 | 06/03/2022
Chia sẻ
Giới chuyên gia cảnh báo xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Mỹ Latinh, song không ảnh hưởng trực tiếp mà gián tiếp thông qua biến động giá nguyên liệu thô.

Trên thực tế, Mỹ Latinh không quá phụ thuộc vào đầu tư của Nga, và theo số liệu của công ty tư vấn Capital Econonomics, thương mại với Nga và Ukraine chiếm chưa đến 1,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của các nền kinh tế lớn trong khu vực.

Theo ông Michael Heydt, Phó Chủ tịch cấp cao của DBRS Morningstar, Mỹ Latinh bao gồm một nhóm các quốc gia đa dạng về mặt kinh tế. Chuyên gia này nhận định: “Chi phí năng lượng và lương thực gia tăng có thể làm suy yếu đáng kể triển vọng của các quốc gia này thông qua ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua và gia tăng lạm phát”.

Giá dầu trên thị trường quốc tế đã tăng vọt do lo ngại gián đoạn nguồn cung từ Nga, một trong những nước sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới. 

Mặc dù xuất khẩu dầu thô và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga sang Mỹ Latinh rất hạn chế, nhưng do đặc điểm khu vực có những nước xuất khẩu ròng và nhập khẩu ròng, Mỹ Latinh sẽ chịu ảnh hưởng khi thị trường năng lượng quốc tế chao đảo.

Theo Luciano Codeseira, Giám đốc công ty tư vấn Gas Energy Latin America và đối tác điều hành của Ceibo Growth Strategies, Brazil và Guyana nổi lên như những quốc gia xuất khẩu sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc giá dầu tăng.

Trong khi đó, mặc dù vẫn thúc đẩy sản xuất dầu khí tại lưu vực Vaca Muerta với trữ lượng khổng lồ, Argentina có nguy cơ chịu thâm hụt năng lượng trầm trọng hơn do nhu cầu nhập khẩu LNG gia tăng trong mùa đông Nam Bán cầu đang tới gần, mà giá nhiên liệu thì đã tăng mạnh so với năm 2021.

Ông Codeseira nhận định các nước nhập khẩu nhiên liệu hoàn toàn dầu, nhiên liệu lỏng và khí đốt sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, song có thể bù đắp nhờ giá xuất khẩu nguyên liệu thô của quốc gia cũng gia tăng.

Xung đột cũng tác động mạnh mẽ đến thị trường nông sản, khi giá ngũ cốc và các mặt hàng liên quan vẫn liên tục tăng. Trong khi Nga và Ukraine chiếm 1/4 lượng xuất khẩu lúa mì của thế giới, song mặt hàng này cũng là chủ lực của Argentina. Nếu Ukraine là nước xuất khẩu ngô lớn, thì Mỹ, Brazil và Argentina lại thống trị thị trường này.

Trong khi đó, các nước nhập khẩu ngũ cốc như đang “ngồi trên đống lửa” trước nỗi lo lạm phát. Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Phát triển Ngoại thương thuộc Phòng Thương mại Lima, Chile Carlos Posada cảnh báo nếu nguồn cung lúa mì bị cắt giảm, giá cả sẽ leo thang và tác động lên giỏ hàng cơ bản.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine xa xôi cũng gây ra mối đe dọa lớn cho ngành nông nghiệp Mỹ Latinh; đó là tình trạng thiếu phân bón. Báo cáo của Sở giao dịch chứng khoán Rosario, Argentina, cho biết Nga là nhà cung cấp phân bón hàng đầu thế giới, chiếm 13% kim ngạch thương mại toàn cầu.

Giá phân bón đã tăng chóng mặt từ khi xung đột nổ ra, khiến Argentina, Brazil, Colombia và Paraguay gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu trong nước và đứng trước nguy cơ sản xuất nông nghiệp bị sụt giảm.

Bên cạnh đó, Colombia cũng lo ngại việc loại trừ Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu thịt bò sang quốc gia này. 

Chủ tịch Hội đồng Nông nghiệp Colombia Rodolfo Correa cảnh báo nếu không thể thanh toán hoặc nhận thanh toán những hàng hóa trao đổi với Nga, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ngành này sẽ chịu “đòn giáng mạnh”.

Cũng cần lưu ý rằng giá nguyên liệu thô gia tăng là “con dao 2 lưỡi” có thể đem lại nguồn thu lớn hơn cho một số nước Mỹ Latinh, đồng thời kéo theo lạm phát cao do giá thực phẩm và năng lượng leo thang, tác động đến chi phí dịch vụ và công nghiệp. 

Trong khi đó, Mỹ Latinh vốn đã chịu áp lực lạm phát từ cuộc khủng hoảng toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra.

Nhà kinh tế học Francisco Castañeda, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh thuộc Đại học Universidad Mayor (Chile), nhận định do là nước nhập khẩu ròng dầu khí, giá cả tăng sẽ ảnh hưởng lên toàn bộ giỏ tiêu dùng của Chile thông qua tác động lên lĩnh vực vận tải.

Tại Mexico, bất chấp lời trấn an của chính phủ rằng xăng sẽ không tăng giá, các nhà kinh tế đã bắt đầu tăng dự báo lạm phát. Gabriela Siller - Giám đốc phân tích kinh tế của ngân hàng Banco Base, không loại trừ khả năng lạm phát có thể lên đến 8%, hoặc 10% nếu giá dầu liên tục phá kỷ lục.

Lạm phát gia tăng sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng của Mỹ Latinh. Năm ngoái nền kinh tế khu vực tăng trưởng 6,2%, song năm nay Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe dự báo con số này chỉ là khoảng 2,1%.

Giá cả càng tăng thì thu nhập hộ gia đình thực tế càng giảm, tiêu dùng giảm kéo tăng trưởng đi xuống. Sức ép lạm phát sẽ buộc các ngân hàng trung ương áp dụng các chính sách nghiêm ngặt hơn, kéo tụt đà tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, ông Michael Heydt cũng cảnh báo nếu căng thẳng gia tăng trên toàn cầu, nhà đầu tư có thể tháo chạy, gây áp lực giảm giá lên các đồng nội tệ và làm gia tăng lạm phát, đồng thời làm suy yếu nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa và dịch vụ của khu vực. Đó sẽ là “cơn gió ngược” đối với một khu vực vốn đang đối mặt với triển vọng tăng trưởng thấp và lạm phát cao trong năm nay.

Hồng Hạnh