|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khủng hoảng chuỗi cung ứng đe dọa kéo sập kinh tế toàn cầu

06:21 | 03/11/2021
Chia sẻ
Năm ngoái đoàn tàu kinh tế thế giới va vào COVID-19 và phải dừng lại. Năm nay kinh tế vừa bắt đầu nhúc nhắc đã mắc kẹt vào một trong những vụ ùn tắc giao thông lớn nhất lịch sử.

Các chỉ số mới do Bloomberg Economics xây dựng đã nêu bật lên mức độ nghiêm trọng của vấn đề, sự thất bại trong việc tìm ra giải pháp nhanh chóng, và vì sao tắc nghẽn chuỗi cung ứng tại một số khu vực vẫn đang tệ đi.

Khủng hoảng chuỗi cung ứng đe dọa kéo sập kinh tế toàn cầu - Ảnh 1.

Giá trị âm có nghĩa là hàng hóa dồi dào và dương là nguồn cung thiếu hụt.

Nghiên cứu của Bloomberg lượng hóa cuộc khủng hoảng diễn ra trên toàn thế giới: Siêu thị với kệ hàng trống trải, cảng biển với tàu thuyền xếp hàng dài dằng dặc, hay nhà máy ô tô hoạt động cầm chừng vì thiếu chip. Trên tất cả: Giá cả của gần như tất cả mọi thứ đều gia tăng.

Các ngân hàng trung ương có thể phải rút lại nhận định lạm phát là "nhất thời" và phản ứng bằng các đợt tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. Khả năng này đặt ra mối đe dọa mới đối với cuộc phục hồi vốn đang chao đảo, và có thể làm xịt hơi bong bóng chứng khoán và bất động sản.

Đằng sau sự tắc nghẽn của hàng hóa là mớ bòng bong giữa hệ thống vận tải đang quá tải, thiếu hụt lao động tại các điểm trung chuyển chính, và nhu cầu lớn từ người tiêu dùng Mỹ.

Vấn đề không chỉ nằm ở việc dịch chuyển hàng hóa, mà thế giới cũng đang phải vận lộn để sản xuất đủ hàng.

Các nhà sản xuất hoàn toàn bất ngờ bởi sự phục hồi của năm nay sau khi họ giảm mạnh đơn hàng mua nguyên vật liệu vào năm ngoái, khi người tiêu dùng ngừng chi tiêu.

Tại Việt Nam, các nhà máy sản xuất giày cho Nike phải giảm sản lượng vì lao động quay trở lại quê nhà vì lo ngại COVID-19. Trung Quốc, công xưởng thế giới, đang đối mặt với đợt bùng phát dịch mới và phản ứng bằng các lệnh phong tỏa.

Kết hợp tất cả những yếu tố này, chỉ số nguồn cung của Bloomberg Economics cho thấy tình trạng thiếu hụt ở Mỹ vừa mới rơi xuống khỏi mức cao nhất trong 20 năm. Tương tự, thước đo dành cho Anh và khu vực đồng euro cũng ở mức cao nhất ngưởng.

Khủng hoảng chuỗi cung ứng đe dọa kéo sập kinh tế toàn cầu - Ảnh 2.

Giá trị âm có nghĩa là hàng hóa dồi dào và dương là nguồn cung thiếu hụt.

Đối với những nhà sản xuất toàn cầu và người tiêu dùng chờ được giao hàng, câu hỏi quan trọng là: Bao giờ sự gián đoạn mới chấm dứt?

Ngay cả những gã khổng lồ như Amazon hay Apple – đã quen với việc bẻ cong chuỗi cung ứng theo ý thích – cũng không thấy tình hình được cải thiện nhanh. Amazon cho biết toàn bộ lợi nhuận quý IV có thể bị xóa sổ do chi phí nhân công và xử lý hàng hóa tăng vọt. Apple nói công ty mất 6 tỷ USD doanh thu vì không thể đáp ứng nhu cầu và có thể thiệt hại còn nặng hơn trong quý tiếp theo.

Bà Shanella Rajanayagam, nhà kinh tế thương mại tại HSBC cho biết tình hình vận tải sẽ bắt đầu bớt căng thẳng sau Tết Nguyên đán vào tháng 2 năm sau. Tuy nhiên, "sự gián đoạn có thể kéo dài đến ít nhất đến giữa năm 2022".

Khủng hoảng chuỗi cung ứng đe dọa kéo sập kinh tế toàn cầu - Ảnh 3.

Khi các nhà cung cấp chờ đợi nhau giao hàng, sự chậm trễ ngày càng chồng chất. Ví dụ, hơn 70 tàu đang thả neo ở Los Angeles chất đầy những container 20 foot lèn chặt hàng hóa đủ để trải dài quãng đường 2.600 km.

Và ngay cả khi những con tàu này được cập cảng, hàng hóa chúng mang theo sẽ gia nhập hàng dài những mặt hàng khác đang chờ được chở vào đất liền. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi có thêm nhiều xe tải và xe kéo trong ngắn hạn.

Biện pháp dài hơi hơn đòi hỏi kiểm soát được COVID-19, xây dựng cơ sở hạ tầng mới ví dụ như cảng biển hiệu quả hơn và cải thiện công nghệ cho giao dịch kỹ thuật số.

Tại nơi khác trên thế giới, tắc nghẽn vận chuyển thường theo sau thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh, ví dụ như đợt bùng phát COVID-19 mới nhất ở Singapore. Phân tích về tình trạng tắc nghẽn cảng cho thấy lượng hàng tồn đọng hôm 1/11 tại Singapore đã tăng cao với 53 tàu container phải thả neo, con số cao nhất kể từ tháng 4.

Với tỷ lệ tiêm vắc xin tại nhiều nước châu Á vẫn ở mức thấp, rắc rối kiểu này sẽ không sớm biến mất.

Đối với nền kinh tế toàn cầu đang thoát khỏi cuộc suy thoái sâu nhất trong lịch sử gần đây, tình trạng thiếu nguồn cung một phần do nhu cầu mạnh mẽ là cơn đau đầu "tốt đẹp". Tình cảnh ngược lại chắc chắn tệ hơn nhiều: Nguồn cung dồi dào vì các quốc gia suy thoái, với hàng triệu người thất nghiệp.

Nhưng rõ ràng tình hình hiện nay vẫn đang tạo ra quá nhiều rắc rối.

Lạm phát đang ở mức cao hơn nhiều so với mong muốn của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ. Tại Mỹ, tỷ lệ lạm phát hiện là 5,4% và sẽ tiếp tục duy trì trong khoảng 4-5% nếu hạn chế nguồn cung không được cải thiện, theo mô hình của Bloomberg.

Điều này không có nghĩa là thế giới sắp lặp lại lạm phát kèm suy thoái như thập niên 1970. Ít có khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương sẽ mắc phải sai lầm nửa thập kỷ trước.

Khủng hoảng chuỗi cung ứng đe dọa kéo sập kinh tế toàn cầu - Ảnh 4.

Tuy nhiên, môi trường hiện tại vẫn là thách thức lớn đối với các ngân hàng trung ương.

Giữ nguyên lãi suất như hiện tại sẽ cho phép cuộc phục hồi tiếp diễn nhưng gây rủi ro giá tăng cao nếu các hộ gia đình và doanh nghiệp ỷ lại vào lãi suất thấp. Thắt chặt chính sách sẽ dập tắt lạm phát bằng cách bóp nghẹt nhu cầu và có thể giết chết nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán Mỹ hiện đang phản ánh vào giá hai đợt tăng lãi suất trong năm 2022. Một mô hình kinh tế học của Bloomberg cho thấy nếu lạm phát tăng mạnh và tỷ lệ thất nghiệp giảm, thậm chí hai lần tăng trong năm tới có thể vẫn không đủ.

Dĩ nhiên, các dự đoán về việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng đã nhiều lần sai lầm trong quá khứ, và lần này có thể vẫn không đúng. Nhu cầu dành cho hàng hóa có thể giảm xuống khi chính sách kích thích trong đại dịch giảm dần. Việc chuyển hướng chi tiêu từ hàng hóa trở lại dịch vụ sẽ làm giảm bớt mất cân bằng cung – cầu. Kinh tế Trung Quốc giảm tốc lâu dài có thể tác động đến giá hàng hóa.

Chuỗi cung ứng cũng có thể được gỡ rối nhanh hơn dự kiến. Chỉ số đo lường tình trạng thiếu hụt của Bloomberg ở Mỹ đã đi xuống trong thời gian gần đây - tuy vẫn ở mức cao trong lịch sử.

Thế giới không có tiền lệ có thể cho thấy khi nào, hoặc cách nào tình hình sẽ bình thường trở lại.

Ông John Butler, Chủ tịch Hội đồng Vận tải biển Thế giới nhận xét: "Tình hình hiện tại là độc nhất và hoàn toàn khác với những gián đoạn mà thế giới từng trải qua. Cách thức mà tắc nghẽn hiện tại được tháo gỡ cũng sẽ khác trước".

Giang