Ngành vận tải biển ăn nên làm ra nhờ bùng nổ nhu cầu hàng hóa và sự sụp đổ của chuỗi cung ứng toàn cầu
Ngành vận tải biển toàn cầu đang sắp sửa nhận được khoản thu lớn nhất kể từ năm 2008. Điều này có được là nhờ sự kết hợp của nhu cầu hàng hóa bùng nổ trong khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang sụp đổ dưới ảnh hưởng của COVID-19 đã khiến giá vận chuyển hàng hóa tăng cao hơn bao giờ hết.
Bất kể những con tàu container khổng lồ cao 40 feet, những chiếc tàu chở hàng có khoang chứa hàng nghìn tấn than, hay những chiếc tàu chuyên dụng được thiết kế để đóng hàng trong ô tô và xe tải, thu nhập của hầu hết các loại tàu đều tăng vọt, theo Bloomberg.
Vận chuyển container vẫn đang duy trì vị thế ngôi sao
Với thực tế ngành vận tải biển đảm trách 80% dòng chảy thương mại toàn cầu, mức thu nhập tăng vọt này lan tỏa đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế. Cơn bùng nổ vận tải biển vào năm 2008 đã tạo ra làn sóng đóng tàu mới khổng lồ. Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra, kéo theo cuộc suy thoái sâu sắc nhất toàn cầu trong nhiều thập kỷ đã chặn đựng sự bùng nổ của ngành vận tải biển.
Nguyên nhân khiến nhu cầu và giá vận tải biển tăng bao gồm việc nền kinh tế mở cửa trở lại sau các đợt giãn cách đã thúc đẩy nhu cầu về hàng hóa và nguyên liệu thô tăng vọt.
Bên cạnh đó, dịch COVID-19 tiếp tục gây ra gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu, làm tắc nghẽn các cảng và chậm trễ tàu thuyền. Tất cả những điều này hạn chế lượng tàu sẵn sàng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển. Điều đó khiến phần lớn lĩnh vực vận chuyển bội thu trong những tháng gần đây.
Và sự phát đạt của ngành vận tải xoay quanh lĩnh vực vận chuyển container - nơi có tỷ lệ tăng cao hơn bao giờ hết.
Theo Clarkson Research Services, một dịch vụ thuộc công ty môi giới tàu biển lớn nhất thế giới, ngành vận tải biển đang công bố thu nhập hàng ngày cao nhất kể từ năm 2008.
Tuy nhiên, không phải tàu nào cũng "cá kiếm" được trong mùa dịch. Theo Bloomberg, thị trường tàu chở dầu và khí đốt không thực sự bùng nổ như các lực lượng khác.
Vận chuyển container vẫn đang duy trì vị thế ngôi sao của mình. Hiện nay, để vận chuyển một chuyến tàu xếp đầy container cao 40 feet từ Trung Quốc đến châu Âu mất 14.287 USD, tăng hơn 500% so cùng kỳ năm ngoái và áp dụng với mọi mặt hàng, từ đồ chơi đến xe đạp đến cà phê.
Hãng tàu container lớn nhất thế giới, A.P. Moller-Maersk đã tăng lợi nhuận ước tính trong năm nay lên gần 5 tỷ USD vào tháng trước. Trong khi đó, CMA CGM, hãng vận tải lớn thứ ba thế giới cho biết họ quyết định không tăng cước giao ngay để giữ chân các khách hàng lâu năm. Nói cách khác, công ty đang quay lưng lại với lợi nhuận.
Giá cước chở hàng khô cũng tăng mạnh
Trong khi nhu cầu đối với hàng hóa bán lẻ chắp cánh cho thị trường container, đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu đang đốt nóng nhu cầu nguyên vật liệu thô, giúp giá cước của tàu chở hàng khô tăng mạnh.
Ted Petrone, Phó Chủ tịch Navios Maritime Holdings, công ty sở hữu đội tàu chở hàng khô, cho biết: "Nhu cầu mạnh mẽ về các vật liệu khoáng sản kết hợp với gián đoạn logistic liên quan đến dịch bệnh đang hỗ trợ giá cước vận tải ở hiện tại và trong tương lai. Hiện nhu cầu của ngành vẫn rất khả quan."
Thậm chí, một số hãng tàu chở hàng khô đã chuyển sang vận chuyển các container. Golden Ocean Group là một trong những công ty đang xem xét ý tưởng này. Mặc dù nó có thể mang lại lợi nhuận "dày" hơn cho một năm vốn đã bội thu của các chủ sở hữu, nhưng nó cũng đi kèm rủi ro vì các tàu chở hàng khô không được thiết kế để chở những chiếc container khổng lồ.
COVID-19 đã mang đến một năm ăn nên làm ra với ngành vận tải biển, ngoại trừ phân khúc tàu chở dầu - đang chịu cảnh kinh doanh thua lỗ trong phần lớn năm 2021.
Với việc liên minh OPEC+ vẫn hạn chế sản lượng, đội tàu chở dầu trở nên dư thừa công suất, khiến giá cước của chúng của chúng suy giảm.
Tuy nhiên, giá cước tàu chở dầu có thể bắt đầu phục hồi vào tháng 10 tới khi lượng dầu dự trữ được xuất ra nhiều hơn và nhu cầu vận chuyển tăng lên, theo nhận định của các nhà phân tích ở Công ty Pareto Securities.