|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khu vực 1.300 điểm đóng vai trò xác định xu hướng trung hạn của VN-Index?

07:30 | 07/08/2022
Chia sẻ
Nhận định về diễn biến thị trường trong thời gian tới, SSI Research nhận thấy thách thức và cơ hội trên thị trường vẫn đan xen nhau. Dù vậy, sau nguyên cả quý II giảm sâu, tín hiệu kỹ thuật đã cho thấy một số cải thiện nhất định.

Sau 3 tháng điều chỉnh liên tục với mức giảm đến 19,7% trong quý II, thị trường chứng khoán Việt Nam đã lấy lại cân bằng và phát đi tín hiệu tích cực từ tuần cuối tháng 7. Tín hiệu đầu tiên có thể nhìn thấy là VN-Index vượt trở lại ngưỡng cản tâm lý 1.200 điểm cùng với thanh khoản cải thiện rõ nét trong 2 phiên cuối cùng của tháng.

Diễn biến này tương đồng với diễn biến khả quan trên thị trường chứng khoán Mỹ và nhiều thị trường chứng khoán lớn khác khi tâm lý nhà đầu tư được cởi trói sau 2 thông tin vĩ mô quan trọng là Fed tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm và GDP quý II nước này giảm 0,9%, sát với dự báo của thị trường.

VN-Index đóng cửa phiên cuối cùng của tháng 7 tại mốc 1.206,33 điểm, tăng nhẹ 8,73 điểm, tương đương 0,73% so với cuối tháng 6 và thu hẹp một chút mức giảm từ đầu năm xuống còn 19,49%. Nâng đỡ cho chỉ số đại diện HOSE chủ yếu đến từ các mã BID (+11,3%), SAB (+16,43%), VIB (+23,7%), TCB (+6,61%), VNM (+4,36%), BCM (+9,7%), STB (+14,88%), MBB (+5,99%), GVR (+5,99%), DIG (+31,99%).

Thanh khoản có tháng đi xuống thứ 4 liên tiếp, chỉ đạt 10.000 tỷ đồng trên HOSE qua kênh khớp lệnh và mức này kém rất xa mức đỉnh 24,7 nghìn tỷ đồng trong tháng 3.

Nhìn nhận theo chiều hướng tích cực, việc thanh khoản xuống mức thấp trong một trạng thái đi ngang cho thấy lực bán đã suy yếu đáng kể và có thể là một chỉ dấu cho thấy khả năng thị trường đã đạt được trạng thái cân bằng trong ngắn hạn. 

Nguồn: SSI Research.

Tín hiệu kỹ thuật cải thiện hơn, thị trường quay lại xu hướng tăng ngắn hạn 

Về vĩ mô, dữ liệu kinh tế tháng 7 đã phần nào cho thấy nền kinh tế sẽ có một khoảng thời gian thách thức ở phía trước. Rủi ro từ các yếu tố bên ngoài chưa có nhiều sự cải thiện, như rủi ro suy thoái ở các nền kinh tế lớn, chính sách Zero Covid ở Trung Quốc, hay mới hơn gần đây là căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc, có thể tạo ra nhiều bất ổn cho nền kinh tế hơn ước tính và đẩy rủi ro trên TTCK lên cao.

Tuy vậy, chính sách tiền tệ được NHNN điều hành thận trọng nhưng cũng có nhiều sự linh hoạt sẽ là một điểm cộng lớn trong việc ổn định vĩ mô, bên cạnh đó là chính sách tài khóa mở rộng thông qua gói hỗ trợ kinh tế.

Nhóm phân tích của SSI Research cho rằng đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng chính từ nửa cuối năm 2022, và trong đó việc giải ngân vốn sẽ tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư công đang được ưu tiên. 

Nhận định về diễn biến thị trường trong thời gian tới, SSI Research nhận thấy thách thức và cơ hội trên thị trường vẫn đan xen nhau. Dù vậy, sau nguyên cả quý II giảm sâu, tín hiệu kỹ thuật đã cho thấy một số cải thiện nhất định.

Đầu tiên, thị trường chậm lại đà giảm kiểm định lại vùng đáy ngắn hạn 1.150 điểm trên VN-Index và nỗ lực hồi phục trong phần lớn thời gian của của tháng 7. Diễn biến này tiếp tục vào những phiên đầu tháng 8, cụ thể VN-Index đã lần lượt chinh phục thành công kháng cự quan trọng 1.200 điểm và pivot 1.220 điểm trong phiên ngày 1/8.

Một tín hiệu tích cực nữa được ghi nhận là thanh khoản thị trường đã cải thiện mạnh sau khi VN-Index quay lại xu hướng tăng ngắn hạn. Từ góc nhìn phân tích kỹ thuật, nhiều khả năng VN-Index sẽ vận động trong kênh giá 1.220 – 1.300 điểm trong tháng 8; trong đó khu vực 1.300 điểm sẽ đóng vai trò là kháng cự quan trọng và xác định xu hướng trung hạn của VN-Index.

Trong ngắn hạn, nhóm phân tích khuyến nghị nhà đầu tư có thể chủ động hạ/ tăng tỷ trọng cổ phiếu theo kịch bản dao động trong vùng 1.220 – 1.300 điểm của VN-Index.

 

Thu Thảo

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.