|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khu kinh tế ven biển đóng góp 30.000 tỷ cho ngân sách nhà nước năm 2016

19:44 | 28/06/2017
Chia sẻ
Trong năm 2016, các khu kinh tế ven biển đạt tổng doanh thu khoảng 8 tỷ USD, xuất khẩu đạt hơn 5 tỷ USD, đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 30.000 tỷ đồng. 

Số liệu báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện tổng diện tích mặt đất và mặt nước biển của 16 Khu kinh tế ven biển tại Việt Nam đạt gần 815 nghìn ha.

khu kinh te ven bien dong gop 30000 ty cho ngan sach nha nuoc nam 2016

Khu kinh tế ven biển Vân Đồn đang hướng tới mô hình đặc khu kinh tế

Lũy kế đến tháng 12/2016, các khu kinh tế (KKT) ven biển của cả nước thu hút được 354 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 42 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện đạt 20,2 tỷ USD (bằng 48,1% tổng vốn đầu tư đăng ký) và 1.079 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đạt 805,2 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện đạt 347,9 ngàn tỷ đồng (bằng 43,2% vốn đầu tư đăng ký). Trong đó, có một số dự án lớn và quan trọng tại KKT Nghi Sơn, KKT Vũng Áng, KKT Dung Quất gồm nhà máy lọc dầu số 1 và số 2, nhà máy cơ khí nặng Doosan, các nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn và Vũng Áng, cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong... Các dự án này đã tăng cường năng lực sản xuất công nghiệp nặng, tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp khác có liên quan.

Bênh cạnh các lợi ích kinh tế, các KKT ven biển còn tạo điều kiện cho các địa phương giải quyết việc làm, thu hút lao động có trình độ tay nghề cao. Đến nay, các KKT ven biển đã giải quyết việc làm cho khoảng 130.000 lao động. Một số khu du lịch, nghỉ dưỡng tại các KKT ven biển đã hình thành một mặt thu hút phát triển ngành du lịch, mặt khác là nơi sinh sống của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước đến làm việc trong các KKT ven biển.

Tuy nhiên, đánh giá của Bộ này chỉ ra khá nhiều hạn chế cần khắc phục tại các KKT ven biển. Ví như, việc quy Quy hoạch, thành lập ở một số KKT chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển, còn mang nhiều tính cục bộ, chưa được xem xét một cách tổng thể hài hòa lợi của quốc gia. Nguyên nhân là do việc đề xuất bổ sung quy hoạch, thành lập KKT của một số địa phương chưa thực sự phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển của địa phương, của vùng mà mang nhiều tính cục bộ, vì lợi ích ngắn hạn của địa phương; quy hoạch KKT chưa được xem xét một cách tổng thể hài hòa lợi ích của địa phương, của vùng gắn chặt với lợi ích của quốc gia.

Các KKT chủ yếu vẫn dựa vào nguồn ngân sách Trung ương để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Do nguồn ngân sách Trung ương hết sức hạn chế, trong khi đó nhu cầu đầu tư phát triển của các KKT là rất lớn nên nhiều KKT như hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ, đạt chất lượng theo quy hoạch và thu hút đầu tư. Ngoài ra, tiện độ đầu tư hạ tầng chưa đạt yêu cầu còn do nguyên nhân các địa phương chưa thực sự chủ động trong tìm kiếm, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Trung ương; phương thức huy động các nguồn lực chưa gắn với cơ chế ưu đãi thỏa đáng, quyền lợi rõ ràng nên chưa mang tính khuyến khích cao.

Các KKT đều có chung định hướng đầu tư, cụ thể: đối với các KKT ven biển là xây dựng cảng biển nước sâu, sân bay và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như đóng tàu, dịch vụ cảng biển, du lịch biển, chế biến hải sản, nhiệt điện...; đối với các KKT cửa khẩu là đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh thương mại và một số ngành công nghiệp...; do đó chưa phát huy được lợi thế so sánh dẫn đến sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các KKT.

Việc phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý KKT trong một số lĩnh vực còn chưa được thực hiện đầy đủ, nhất quán trên cả nước do có sự không thống nhất với các quy định của pháp luật chuyên ngành, chưa được các bộ, ngành hướng dẫn cụ thể hoặc chủ trương phân cấp, ủy quyền chưa được địa phương quán triệt và thực hiện. Vì vậy, việc thực hiện cơ chế hành chính “một cửa tại chỗ” chưa được phát huy.

Linh Anh