Khu Đông TP HCM 'tắc nghẽn' vì cảng quá tải, phát triển đô thị quá nóng
Ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM cho biết trong thời gian qua, khu vực các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái như: Xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Vành đai 2, Vòng xoay Mỹ Thủy... thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài làm ảnh hưởng đến việc sản xuất, sinh hoạt và lưu thông của doanh nghiệp, người dân trong khu vực.
Nguyên nhân là do lượng xe vận chuyển hàng hóa qua cảng tăng mạnh. Cụ thể, theo quy hoạch đến năm 2020, năng lực dự kiến thông qua cảng Cát Lái khoảng 36 triệu tấn/năm nhưng trong năm 2016, sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 53 triệu tấn (vượt 47,2% quy hoạch).
Ngoài ra, trong năm 2016, cảng Cát Lái phải giao nhận một phần hàng hóa của các cảng khác chuyển về như: Tân cảng Hiệp Phước và 2 cảng Cái Mép. Cùng với việc siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ nên lượng xe ra vào cảng tăng 17% so với năm 2015, trung bình 17.000 xe/ngày đêm.
Trong khi đó, hạ tầng giao thông khu vực chưa hoàn chỉnh; khu vực lại đang trong quá trình triển khai xây dựng nhiều dự án hạ tầng, đô thị… dẫn đến tình hình ùn tắc giao thông trên tuyến đường ra vào cảng.
Bên cạnh đó, thời gian làm thủ tục ra vào cảng còn kéo dài; hầu hết các phương tiện không có phụ xe nên lái xe phải cho dừng chờ ở các làn vào trước cổng, vào khu thủ tục, nên các luồng chờ trước cổng luôn đầy, ùn ứ. Lượng xe ra vào các bãi sang tải trên đường vào cảng và tình trạng các phương tiện đậu dừng không đúng quy định trên trục đường Nguyễn Thị Định, Lê Phụng Hiểu thường xuyên gây ùn tắc cục bộ…
Theo dự báo lượng hàng hóa thông qua cảng Cát Lái trong năm 2017 và các năm tiếp theo tăng 8% - 10%/năm, số lượng phương tiện đường bộ qua cảng và các phương tiện lưu thông trong khu vực tăng lên sẽ tiếp tục gây áp lực về tình hình giao thông khu vực.
Để giải quyết tình hình trật tự an toàn giao thông khu vực cảng Cát Lái và phía Đông thành phố, ông Bùi Xuân Cường cho biết, trong năm 2017, Sở sẽ phối hợp Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp ở khu vực trong và ngoài cảng Cát Lái.
Ảnh minh họa: Ndh |
Cụ thể là tổ chức phân làn giao thông chiều vào cảng tại các cổng cảng; khuyến khích khách hàng làm thủ tục giao nhận hàng hóa và thanh toán trực tuyến qua internet trước khi đến cảng; ứng dụng công nghệ thông tin, cải thiện các quy trình, thủ tục giao nhận hàng hóa tại cổng cảng theo hướng hiện đại; thực hiện các chính sách khuyến khích khách hàng giao nhận hàng trực tiếp hàng hóa tại Tân cảng Hiệp Phước, Tân cảng Cái Mép.
Bên cạnh đó, xử lý nghiêm các trường hợp dừng đỗ sai quy định trên các tuyến đường ra vào cảng; tăng cường lực lượng điều tiết giao thông tại khu vực nút giao An Phú, Mỹ Thủy và đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống; xử lý nghiêm tình trạng dồn tải và lưu thông quá tải trọng cho phép khu vực cảng Cát Lái; mở tối đa các làn thu phí tại Trạm thu phí Phú Mỹ.
Triển khai thực hiện cải tạo và tổ chức giao thông để cho xe trên 3,5 tấn lưu thông từ Vành đai 2 ra Xa lộ Hà Nội qua Khu Công nghệ cao và ngược lại. Song song đó, tập trung triển khai nhanh các công trình đầu tư hạ tầng giao thông khu vực cảng Cát Lái và phía Đông Thành phố.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cho rằng, trước mắt, từ nay đến Tết Nguyên đán, cần xử lý dứt điểm các bãi sang tải tự phát, tình trạng đậu xe sai quy định ở các tuyến đường ra vào cảng.
Đối với việc cấp phép cho các bãi đậu xe, Sở Kế hoạch – Đầu tư cần kiểm tra kỹ vị trí cấp phép có phù hợp quy hoạch. Đồng thời các địa phương và đơn vị liên quan cần tăng cường kiểm tra hoạt động các bãi đậu xe. Mặt khác, sớm thành lập tổ công tác liên ngành điều tiết tình hình giao thông khu vực trong và ngoài cảng Cát Lái.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng yêu cầu các cơ quan liên quan cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình để kéo giảm ùn tắc. Rà soát quy hoạch giao thông khu vực gắn với quy hoạch giao thông của TPHCM và vùng Đông - Tây Nam bộ để sớm triển khai và điều chỉnh những điều chưa phù hợp.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình; ứng dụng giao thông thông minh; đẩy nhanh việc thực hiện thu phí tự động tại các trạm thu phí; tăng cường phân cấp cho các địa phương trong việc quản lý giao thông; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; sớm thành lập tổ công tác triển khai thực hiện.