|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

‘Không ra tuyên bố chung Mỹ-Triều là một thủ thuật thương thuyết’

06:58 | 01/03/2019
Chia sẻ
Theo ông Phạm Hồng Tiến, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên không ra tuyên bố chung cũng là một thủ thuật thương thuyết để hai bên thăm dò nhau.

‘Không ra tuyên bố chung Mỹ-Triều là một thủ thuật thương thuyết’  - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tới phòng họp để bắt đầu cuộc gặp mở rộng với quan chức hai nước tại Hà Nội ngày 28/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai diễn ra tại Hà Nội đã kết thúc chiều ngày 28/2, với kết quả được cho là khá bất ngờ khi hai bên không ra được tuyên bố chung, không có thỏa thuận nào được ký kết.

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Hồng Tiến, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, về kết quả này.

- Thưa ông, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều đã kết thúc nhưng không đưa ra tuyên bố chung nào. Ông nhận định thế nào về kết quả này?

Ông Phạm Hồng Tiến: Thực ra, đây là một trong những kịch bản mà giới quan sát Việt Nam và quốc tế đã tính đến trước khi Hội nghị này diễn ra.

Tuy nhiên, với không khí thân thiện mà Mỹ và Tiều Tiên đã thể hiện với truyền thông, nhất là những phát ngôn thiện chí của lãnh đạo cấp cao của hai phía trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh về quyết tâm đạt một giải pháp mang tính khả thi cho tiến trình phi hạt nhân hóa và tái lập hòa bình ở bán đảo Triều Tiên, thì việc không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào thật sự đã gây bất ngờ cho đại bộ phận giới quan sát quốc tế.

Song đây là điều có thể hiểu được bởi sự phức tạp của vấn đề giải giới vũ khí hạt nhân của Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên có liên quan đến nhiều bên, có tính lịch sử qua nhiều đời lãnh đạo, có tính chiến lược đối với sự tồn vong của quốc gia sở hữu và lợi ích an ninh của những bên có ảnh hưởng và chịu tác động khác…

Sự phức tạp với nhiều nút thắt đó không thể giải quyết ngay được bằng một hai cuộc gặp cấp cao song phương.

Bản thân lãnh đạo Mỹ cũng đã bộc bạch trong cuộc họp báo đầu giờ chiều nay rằng, cuộc gặp lần hai tại Hà Nội lần này đã giúp hai bên hiểu rõ hơn về mối quan tâm của nhau so với lần gặp đầu cách đây hơn 8 tháng tại Singapore, nhưng một thỏa thuận hay một tuyên bố chung là điều chưa thể khi vẫn còn khoảng cách trong cách tiếp cận của Triều Tiên và Mỹ.

Tuy nhiên, bầu không khí cởi mở, thiện chí mà Mỹ và Triều Tiên tạo dựng được trong hòa đàm lần này, sẽ là tiền đề cho những cuộc tiếp xúc kế tiếp.

Hơn nữa, đây cũng là một thủ thuật thương thuyết khi cả hai bên đều cố gắng tối đa hóa yêu sách của mình, để thăm dò quyết tâm của nhau trước khi có những nhượng bộ mang tính đột phá để giải quyết vấn đề.

Chúng ta đánh giá cao sự chủ động của cả Mỹ và Triều Tiên, nhất là vai trò cá nhân của Tổng thống Donal Trump và Chủ tịch Kim Jong-un trong việc thu hẹp bất đồng để cùng ngồi bên nhau tại một thành phố biểu tượng hòa bình của thế giới, trong một quốc gia có truyền thống hòa hiếu, khoan dung và trọng tín nghĩa. Nhưng chúng ta cũng hiểu rằng, Mỹ và Triều Tiên, bên cạnh lợi ích quốc gia của họ, cả hai còn phải gánh vác trọng trách đại diện lợi ích cho các bên liên quan. Cá nhân ông Donal Trump và ông Kim Jong-un dù có thiện cảm với nhau đến đâu thì kết quả mà họ có được qua cuộc hòa đàm lần này cũng phải thỏa mãn được các nhóm quyền lực và lợi ích khác nhau ở trong nước, nhất là đối với Mỹ.

Đây là câu chuyện sẽ đòi hòi thêm nhiều thời gian và tâm sức của hai nhà lãnh đạo, các lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hòa bình của hai nước và thế giới.

‘Không ra tuyên bố chung Mỹ-Triều là một thủ thuật thương thuyết’  - Ảnh 2.

Ông Phạm Hồng Tiến. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

- Những khoảng cách đó liệu có thể thu hẹp thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Hồng Tiến: Nói theo bất kỳ ngôn ngữ nào, thì việc không ra được tuyên bố chung là một bất cập đối với cả Mỹ và Triều Tiên trong việc không thể tìm được nút thắt tháo gỡ cho một vấn đề mà họ đã dồn nhiều tâm sức trong suốt hơn 8 tháng qua.

Theo quan điểm của tôi, hai nước cần phải tìm những nút thắt nhỏ dễ gỡ nhất để hành động, nhằm tạo tiền đề cho lộ trình giải quyết các vấn đề quan trọng mà cả hai bên cùng quan tâm như kiến tạo hòa bình và phồn vinh trên bán đảo Triều Tiên.

Theo đó, mỗi một nhượng bộ của bên này cần phải được đối ứng ứng tương xứng bởi sự đáp đền của phía bên kia. Không nên áp đặt tư duy nước lớn hay ép buộc đơn phương. Mỹ - Triều chỉ có thể cùng nhau giải quyết vấn đề hạt nhân hay hòa bình trên bán đảo Triều Tiên trên cở sở bình đằng, tôn trọng lợi ích của nhau và của cả các bên liên quan trong đàm phán 6 bên.

Việc ưu tiên xử lý những vấn đề mang tính nhân đạo như người Mỹ mất tích trong Chiến tranh Nam – Bắc Triều, hay cứu trợ Triều Tiên vượt qua giai đoạn khó khăn về lương thực, … có thể là những bước đi nhỏ đầu tiên để giúp dư luận xã hội hai bên hiểu rõ hơn về nhau, trước khi đi vào giải quyết những vấn đề mang tính trọng tâm như phi hạt nhân hóa bán đảo này.

Đó là một kinh nghiệm mà nhiều quốc gia, trong đó có Triều Tiên nên tham khảo trong việc bình thường hóa quan hệ giữa những cựu thù.

Việc bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ cách đây gần 25 năm cũng đã được chắp nối bằng các hoạt động nhân đạo, như tìm kiếm hài cốt binh lính Mỹ hay các đoàn phẫu thuật nụ cười, tiếp đó là các cuộc giao lưu giữa các nhà khoa học, các cựu binh và giới ngoại giao… để hai bên gần và hiểu nhau hơn. Từ đó, đi đến mối quan hệ bình thường và bền vững trong tương lai.

‘Không ra tuyên bố chung Mỹ-Triều là một thủ thuật thương thuyết’  - Ảnh 3.

Chia sẻ tại buổi họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai, Tổng thống Mỹ Donal Trump cho biết vẫn tồn tại khoảng cách giữa mong muốn của hai bên. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

- Theo ông, việc không đạt được thỏa thuận tại Hội nghị lần hai này sẽ tác động thế nào với cả hai bên?

Ông Phạm Hồng Tiến: Với thể chế chính trị hiện nay ở Triều Tiên, việc không ra được thỏa thuận hay không có được sự nhượng bộ cụ thể nào từ phía Mỹ trong việc xóa bỏ lệnh cấm vận, cũng như tuyên bố chính thức về tình trạng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, cũng ít nhiều khiến ông Kim Jong-un thấy bối rối trong việc thuyết phục những lực lượng bảo thủ trong nước về một kế hoạch tái hòa nhập quốc tế và thay đổi định hướng phát triển kinh tế không dựa trên “Chính sách Tiên quân”.

Kết quả này cũng cho thấy, Triều Tiên vẫn còn bị chi phối bởi những toan tính địa chiến lược của các quyền lực khác bên ngoài. Ông Kim muốn độc lập và tự chủ để giải quyết nhu cầu phát triển của quốc gia, nhu cầu thoát nghèo, vượt khó của người dân. Nhưng đúng là không dễ!

Với Mỹ, trong câu chuyện này sẽ rắc rối hơn. Ông Trump muốn ghi dấu ấn ngoại giao bằng việc chủ động xích lại gần Triều Tiên để giải quyết hồ sơ hạt nhân đã tồn tại nhiều thập kỷ của quốc gia này. Khi tiến trình này gặp trắc trở, thì chắc chắn ông sẽ gặp trở ngại trong việc thuyết phục thế lực diều hâu và lực lượng đối lập chính trị trong nước về thiện nguyện của ông Kim và người dân Triều Tiên trong việc phát triển đất nước không dựa trên mối đe dọa về vũ khĩ hủy diệt hàng loạt.

Bên cạnh những kết quả kinh tế ấn tượng, ông Trump cũng rất muốn ghi dấu ấn như làm một người kiến tạo hòa bình sau một loạt những rắc rối và nghi kỵ mà ông gây ra cho bạn hữu và đồng minh bởi “Chính sách nước Mỹ trên hết”.

Việc giải quyết dứt điểm vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên cũng sẽ giúp ông và ekip tập trung tâm sức cho nhiều vấn đề quốc tế nóng bỏng khác. Hồ sơ hạt nhân của Triều Tiên chưa khép lại, thì ông cũng không thể dồn sức vào giải quyết các vấn đề khác ở Trung Đông, Đông Âu và Biển Đông, hay mối bất hòa ngày càng tăng trong quan hệ giữa Mỹ với EU, hay tập trung tâm sức cho trục an ninh mới ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

- Hội nghị tuy không mang lại kết quả mong đợi, nhưng đã khẳng định được vị trí, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, thưa ông?

Ông Phạm Hồng Tiến: Không chỉ có hội nghị này Việt Nam mới khẳng định tư thế của một chủ nhà có trách nhiệm. Chúng ta đã từng đón tiếp hàng chục đoàn quốc tế cùng lúc, thu xếp chỗ ăn, nghỉ và đảm bảo an ninh cho hàng chục nguyên thủ các quốc gia khu vực và thế giới trong cùng một thời điểm qua các hội nghị thượng đỉnh của APEC hay ASEAN mà Việt Nam làm chủ nhà. Vấn đề đó đã được bạn bè quốc tế ghi nhận.

Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam lần này chỉ là sự minh chứng thêm một lần nữa về vị thế và uy tín quốc tế của chúng ta. Đây là hệ quả tất yếu của việc thực thi một chính sách đối ngoại đúng đắn mà Đảng và Nhà nước đã nhất quán thực hiện trong suốt nhiều thập kỷ qua: độc lập và tự chủ, hòa bình và hữu nghị, đa phương và đa dạng, bình quyền và tôn trọng luật pháp quốc tế.

- Xin cảm ơn ông!

Phạm Mai