|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Không phải môi giới, margin mới là mỏ vàng của top 10 công ty chứng khoán 2016

07:00 | 11/02/2017
Chia sẻ
Chiếm thị phần môi giới hàng đầu nhưng doanh thu từ hoạt động margin (cho vay ký quỹ) của top 10 công ty chứng khoán lại áp đảo hơn. Điều này phản ánh phần nào sự tăng trưởng của các chỉ số cũng như dư nợ margin trong năm qua.
 
khong phai moi gioi margin moi la mo vang cua top 10 cong ty chung khoan 2016
Lãi từ margin và doanh thu môi giới năm 2015 – 2016 của top 10 CTCK. Ảnh: Tiến Vũ

Kiếm tiền từ hoạt động margin vượt môi giới

Khép lại năm 2016, tổng lãi hoạt động margin của 10 công ty chứng khoán (CTCK) có thị phần môi giới lớn nhất HOSE đạt hơn 2.040 tỷ đồng, tăng đến 33% so với 2015. Trong khi đó, doanh thu môi giới tăng thấp hơn với khoảng 22%, đạt 1.970 tỷ đồng.

Duy nhất Chứng khoán Bản Việt (VCSC) lãi từ margin sụt nhẹ, 9 công ty còn lại đều tăng khá mạnh. Điển hình như Chứng khoán MB (MBS) tăng hơn 75%, đạt 190 tỷ đồng; hay Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) tăng đến 65%, đạt 133 tỷ đồng.

Hai ông lớn Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và Chứng khoán TP HCM (HSC) có mức tăng trưởng khá cao với lần lượt 44% và 45%. Xét về con số tuyệt đối, lãi margin của SSI đứng đầu với 429 tỷ đồng, HSC đứng thứ hai với 344 tỷ đồng.

Kết quả lãi từ margin cũng phản ánh phần nào dư nợ cho vay hoạt động này tăng. Tính đến 31/12/2016, dư nợ margin là hơn 16.500 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Tuy nhiên con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều bởi sản phẩm margin luôn có những sức hấp dẫn nhất định và được ẩn giấu trong nhiều khoản mục, tên gọi khác nhau.

Dư địa còn lớn, mỏ vàng còn nhiều tiềm năng

Theo quy định hiện hành về cho vay ký quỹ thì tỷ lệ dư nợ cho vay ký quỹ trên vốn chủ sở hữu của CTCK không được vượt quá 200%. Con số tổng 16.500 tỷ đồng dư nợ margin chiếm khoảng 80% vốn chủ sở hữu, còn khá thấp so với quy định.

Tỷ lệ này không đồng đều ở các CTCK. Chứng khoán MB (MBS) có tỷ lệ cao nhất với hơn 150%, dư nợ cho vay tính đến cuối năm 2016 tăng lên 2.020 tỷ đồng, gấp đôi đầu năm. Báo cáo tài chính MBS còn cho thấy khoản “Phải thu từ các thỏa thuận hỗ trợ tài chính cho nhà đầu tư” hơn 340 tỷ đồng và “Lãi dự thu” trên 320 tỷ đồng.

Đồng thời, dự phòng khó đòi cho hai mục này là hơn 350 tỷ đồng. Rất có thể số dư cho vay margin ẩn chứa trong các khoản này, bởi kết quả hoạt động ký quỹ của MBS đạt mức tăng trưởng cao nhất 75%.

Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cũng có tỷ lệ dư nợ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu khá cao với hơn 130%. Trong năm dư nợ đã tăng gấp rưỡi lên 1.490 tỷ đồng, đồng thời giá trị phải thu khó đòi từ margin chiếm 310 tỷ đồng. Được biết năm 2016, SHS huy động 700 tỷ đồng trái phiếu nhằm bổ sung vốn hoạt động cho vay ký quỹ.

Tương tự, VCSC đang huy động 700 tỷ đồng trái phiếu nhằm bổ sung vốn cho vay ký quỹ và môi giới. Năm qua, VCSC đã tăng vốn điều lệ từ 500 lên 1.030 tỷ đồng, nhờ vậy mà tỷ lệ dư nợ margin trên vốn chủ đã giảm mạnh từ 130% còn 97%.

khong phai moi gioi margin moi la mo vang cua top 10 cong ty chung khoan 2016
Dự nợ cho vay margin của top 10 CTCK tính đến cuối năm 2016. Ảnh: Tiến Vũ.

Hầu hết dư nợ margin các CTCK đều tăng. Riêng KIS và Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) giảm. KIS đã giảm gần một nửa về 810 tỷ đồng, chiếm 73% vốn chủ sở hữu. BSC giảm còn khoảng 340 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ thấp nhất với 35%.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán có thêm nhiều doanh nghiệp lớn gia nhập, VN-Index dự báo xác lập những đỉnh mới, mặt bằng lãi suất được các tổ chức tín dụng kỳ vọng ổn định, tỷ lệ dư nợ margin trên vốn chủ sở hữu còn thấp so với quy định… qua đó, quy mô hoạt động ký quỹ có thể sẽ tiếp tục gia tăng.

Tiến Vũ