Không giao đất, cho thuê đất đối với doanh nghiệp nợ đọng tiền thuế
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, đối với các doanh nghiệp tổ chức, cá nhân còn nợ đọng tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước như phí, lệ phí, tiền phạt, tiền chậm nộp, các khoản thu từ đất, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên, khoáng sản của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản thì UBND tỉnh sẽ không giao đất, cho thuê đất.
Các cán bộ UBND tỉnh cũng không tham mưu, trình UBND tỉnh Thanh Hóa giao đất, cho thuê đất, cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản… đối với các doanh nghiệp còn nợ đọng kể trên.
Năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 40.000 tỷ đồng (năm 2022 đạt trên 51.000 tỷ đồng). Nguyên nhân sụt giảm nguồn thu chủ yếu là do tình hình sản xuất, kinh doanh của khá nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh không thuận lợi, thị trường bất động sản trầm lắng, các hoạt động giao dịch chuyển nhượng phát sinh rất ít; một số dự án mới đầu tư, đầu tư mở rộng chậm tiến độ hoặc không triển khai.
Nhiều địa phương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và bán đấu giá tài sản theo Nghị định số 167 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công nhưng tỷ lệ đấu giá thành công thấp. Cùng với đó là việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế, hỗ trợ doanh nghiệp theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, nên một số khoản thu giảm so với năm 2022.
Tính đến cuối tháng 12/2023, tình trạng nợ đọng thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn tiếp diễn, kéo dài, gây ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước, tạo ra sự bất bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ tài chính giữa những người nộp thuế.