|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Không giảm phí BOT vì doanh nghiệp cầu đường gặp khó do Covid-19

08:03 | 25/03/2020
Chia sẻ
Trước tình hình kinh doanh, sản xuất gặp nhiều khó khăn bởi những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, doanh nghiệp vận tải đường bộ kiến nghị cơ quan chức năng giảm phí cầu đường trên các tuyến đường được đầu tư bằng hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).

Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, doanh nghiệp đầu tư cầu đường cũng đang rất khó khăn nên không thể giảm phí.

Không giảm phí BOT vì doanh nghiệp cầu đường gặp khó do Covid-19 - Ảnh 1.

Trạm thu phí đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: Lê Anh

Tương tự một số ngành nghề kinh doanh khác đang chịu sự tàn phá của "cơn bão" Covid-19, ngành vận tải đường bộ đang chịu ảnh hưởng nặng nề do tình hình dịch bệnh kéo dài. Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh taxi đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, khi lượng khách tiếp tục giảm mỗi tuần từ 15-18%. 

Nhiều doanh nghiệp chỉ đạt từ 50-60% doanh thu, so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu dịch bệnh kéo dài chắc chắn lượng khách sẽ còn giảm sâu hơn rất nhiều.

Ông cho biết, có những xe hiện một ngày chỉ chở 2-3 chuyến nên thu không đủ chi, thu nhập lái xe không đảm bảo nên họ nghỉ việc. Trước tình trạng doanh thu giảm, các công ty phải giảm bớt lương nhân viên để chờ dịch qua đi.

Mới đây, Hiệp hội Taxi TPHCM và Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã gửi văn bản lên Bộ GTVT kiến nghị giảm phí BOT từ 3-5% để giảm chi phí vận tải trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài.

Trả lời các hiệp hội, Bộ GTVT cho biết, hiện dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng, đã và đang tác động, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách... bị ảnh hưởng rõ rệt.

Đối với chi phí của các xe khi đi qua trạm thu phí BOT là mức giá sử dụng dịch vụ đường bộ được tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng dự án để các nhà đầu tư hoàn trả phần vốn đã huy động đầu tư các dự án BOT đường bộ.

Bộ GTVT lý giải, thời gian qua, các doanh nghiệp BOT đã gặp rất nhiều khó khăn khi phải giảm phí cho một số loại xe và chưa được tăng phí như dự kiến trong hợp đồng dự án theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/2016.

Hơn nữa, hiện nay, các ngân hàng đang yêu cầu doanh nghiệp BOT huy động vốn bổ sung cho phần doanh thu thiếu hụt để tránh nguy cơ phải tái cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ. Các doanh nghiệp BOT đang gặp rất nhiều khó khăn, nay thêm dịch Covid-19, lượng xe tiếp tục giảm dẫn đến càng khó khăn hơn. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị các doanh nghiệp vận tải chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp BOT.

Do bất cập của các trạm thu phí đặt quá gần nhau dẫn đến chống chéo các dự án nên người dân và doanh nghiệp phản đối rất quyết liệt. Vì thế, từ năm 2018 đến đầu năm 2020, Bộ GTVT đã đàm phán giảm giá 41 trên 62 dự án BOT.

Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo chưa tăng phí theo lộ trình trong các hợp đồng, thời gian dừng tăng phí tới năm 2021.

Theo lộ trình ký kết trong hợp đồng, tính đến hết năm 2019 có khoảng 37 dự án phải tăng phí theo hợp đồng BOT, trong đó năm 2018 có 2 dự án, năm 2019 có 35 dự án. Năm 2020 có 10 dự án, năm 2021 có 2 dự án, các dự án còn lại cơ bản tăng phí sau năm 2021.



Lê Anh