|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Không để Việt Nam thành nơi 'bán giấy phép kinh doanh'

07:08 | 25/05/2019
Chia sẻ
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nói như trên trước thông tin vốn Trung Quốc vào Việt Nam tăng.
Không để Việt Nam thành nơi bán giấy phép kinh doanh - Ảnh 1.

Cần lựa chọn vốn FDI có chất lượng, tránh thu hút công nghệ thấp, chủ yếu để lấy nguồn gốc xuất xứ VN. Trong ảnh: tại một doanh nghiệp có vốn FDI ở VN - Ảnh: THANH HƯƠNG

Sau hơn 30 năm có Luật đầu tư nước ngoài, trên 170 tỉ USD vốn FDI đã được giải ngân. Chúng ta tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa... để nhường lại sân đó cho khối kinh tế ngoài nhà nước. Nhưng khối kinh tế tư nhân những năm qua phát triển không mạnh, hầu như sân được nhường lại từ doanh nghiệp nhà nước đều rơi vào tay doanh nghiệp FDI. Đây là vấn đề cần hết sức xem xét.

Mỹ đánh thuế cao các mặt hàng từ Trung Quốc, dẫn đến sự chuyển dịch luồng vốn từ Trung Quốc sang nhiều nước, trong đó có VN. Từ năm 2018 đến nay, số dự án đầu tư vào nước ta cao nhất là từ Trung Quốc. Chúng ta cũng phải có những chính sách cụ thể.

Cụ thể, phải có những cách thức sàng lọc, tuyển chọn những nhà đầu tư có công nghệ cao, xanh, sạch để đảm bảo môi trường, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước. Chúng ta không thể phân biệt doanh nghiệp đó ở quốc gia nào bởi chính sách hiện nay là hội nhập, nhưng cũng cần hết sức cẩn trọng bởi bài học từ những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường còn đó.

Chúng ta phải ưu tiên các doanh nghiệp có khả năng kết nối được doanh nghiệp trong nước để làm công nghiệp phụ trợ, tức ưu tiên cho những doanh nghiệp có "chân rết", ký kết với doanh nghiệp nội địa.

Đồng thời có giải pháp để không trở thành nơi "bán giấy phép", trở thành nơi để doanh nghiệp FDI ở tạm để lợi dụng xuất xứ, mà là nơi để có đóng góp nhiều vào giá trị gia tăng từ xuất xứ hàng hóa tại VN. Do đó phải có sự cam kết của các doanh nghiệp FDI hỗ trợ công nghiệp phụ trợ trong nước, bởi qua 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài chúng ta đã thấy rằng công nghiệp phụ trợ đang rất yếu kém.

Số liệu từ Bộ KH-ĐT cho thấy từ đầu năm đến nay, lượng vốn các doanh nghiệp xuất phát từ Trung Quốc qua VN đã tăng trên 240%. Đó là tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nếu thương chiến tiếp tục leo thang, nó sẽ tác động tới suy giảm kinh tế toàn cầu, chứ không riêng hai nước.

VN sẽ đối diện với "khó khăn kép", bởi nên nhớ chúng ta xuất khẩu vào Mỹ 47,5 tỉ USD nhưng lại nhập từ Trung Quốc tới 65,8 tỉ USD năm 2018. Khi Mỹ đánh thuế vào hàng Trung Quốc, người dân Mỹ có tiêu dùng hàng từ VN không? Chắc chắn sẽ có độ trễ trong việc hàng VN thay thế được hàng Trung Quốc ở thị trường Mỹ, và điều này không hề dễ dàng. Trong khi đó, thương chiến Mỹ - Trung sẽ kéo theo việc hàng hóa từ Trung Quốc xuất qua VN nhiều.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thuận lợi với VN không lớn. Nguy hiểm là thương chiến sẽ tác động tới tiền tệ, xu hướng chung là sẽ phá giá. Việc này có thể khiến giá hàng hóa tăng lên, giá dầu leo thang. Vì vậy, phải lên kịch bản để kiểm soát lạm phát. VN không thể đứng im khi tỉ giá thế giới đảo lộn. Lúc đó, chúng ta sẽ điều chỉnh tỉ giá như thế nào để vừa kiểm soát được lạm phát, vừa đối phó với việc phá giá của đồng nhân dân tệ?

Ngay cả khi chưa có thương chiến mà bối cảnh kinh tế Trung Quốc có xu hướng đi xuống, nông sản của VN xuất qua đã rất khó khăn. Nên phải tính toán, để không xảy ra tình trạng nông sản Việt dồn ứ hàng ngàn tấn dọc các lối qua cửa khẩu như đã thấy.

TRẦN HOÀNG NGÂN (THÁI BÁ DŨNG ghi)