|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Không còn đột biến lợi nhuận, cổ phiếu thủy sản 'hụt hơi’ trong nửa đầu năm

16:41 | 22/08/2019
Chia sẻ
Trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2019 suy giảm do tiêu thụ yếu, những doanh thủy sản lớn như Minh Phú, Hùng Vương, Sao Mai không còn ghi nhận lợi nhuận đột biến như 2018, tác động không nhỏ đến giá cổ phiếu trên sàn.

"Ông" lớn thủy sản hụt hơi chỉ tiêu lợi nhuận, giá cổ phiếu sụt giảm 

Nếu như 2018 là một năm tích cực đối với cổ phiếu thủy sản khi hầu hết doanh nghiệp đều có mức tăng trưởng dương trong khoảng 30% - 120% trong thì bước sang 2019, giá cổ phiếu ngành này hầu hết lại sụt giảm.

acv-sd

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 của 10 doanh nghiệp thủy sản trên sàn (MA tổng hợp).

Trong 10 mã chứng khoán ngành này được thống kê, có tới 7 cổ phiếu ghi nhận mức tăng trưởng âm tính từ đầu năm đến nay (kết thúc phiên 21/8). Trong đó có thể đến những những "ông" lớn như CTCP Minh Phú (Mã: MPC); CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC); CTCP Nam Việt (Navico, Mã: ANV); CTCP Tập đoàn Sao Mai (Mã: ASM)…

hx

Tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, giá cổ phiếu 6 tháng đầu năm (MA tổng hợp).

Đối với Vĩnh Hoàn, mặc dù lãi sau thuế 6 tháng tăng hơn 70% lên 727 tỉ đồng nhưng giá cổ phiếu vẫn giảm nhẹ xuống 82.600 đồng/cp. 

Lưu ý, một phần lợi nhuận của Vĩnh Hoàn trong năm nay đến từ việc thoái vốn công ty liên kết Vạn Đức Tiền Giang trị giá 104 tỉ đồng và đồng thời không còn ghi lỗ từ thoái vốn công ty con.

Tương tự, giá cổ phiếu ANV của Navico từ đầu năm đến nay cũng giảm 4% xuống 24.900 đồng/cp. Mặc dù ghi nhận lãi sau thuế tăng gấp 1,8 lần cùng kì lên 353 tỉ đồng, tuy nhiên, kết quả trên cũng đã nằm trong kế hoạch nên không còn mang tính bất ngờ.

Giá cổ phiếu của một đại gia khác trong lĩnh vực thuỷ sản là "vua" tôm Minh Phú cũng ghi nhận mức giảm hơn 21% trong 6 tháng qua. Song song với đó là kết quả kinh doanh kém khả quan, lợi nhuận sau thuế 6 tháng chỉ đạt 155 tỉ đồng, giảm hơn nửa so với cùng kì năm ngoái.

Và với kế hoạch đặt ra cho lợi nhuận trước thuế cả năm là 1.430 tỉ đồng, Minh Phú chỉ mới thực hiện được 13% sau 6 tháng đầu năm 2019. Cũng trong giai đoạn này, Minh Phú dính vào cáo buộc nhập khẩu tôm Ấn Độ và chế biến mức tối thiểu để xuất khẩu, né thuế bán phá giá tại Mỹ.

Mức sụt giảm lớn nhất đến từ cổ phiếu HVG của CTCP Hùng Vương (Mã: HVG). Tính đến cuối phiên ngày 21/8, giá cổ phiếu chỉ còn 2.550 đồng/cổ phiếu, giảm 45,4% kể từ đầu năm đến nay.

Hiện cổ phiếu HVG vẫn bị Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM duy trì trong diện kiểm soát đặc biệt do kết quả kinh doanh lỗ (sau soát xét bán niên của niên độ 1/10/2018 -30/9/2019) và vi phạm về công bố thông tin.

Bên cạnh đó, kiểm toán viên có ý kiến nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục khi khoản lỗ lũy kế hiện tại và tập đoàn có các khoản vay đến hạn trả chưa được thanh toán tại các ngân hàng thương mại cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu.

Cổ phiếu ASM của Tập đoàn Sao Mai cũng không ngoại lệ khi giảm gần 11% xuống 6.600 đồng/cp. Do không còn ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến như 2018 nên nửa đầu năm, lãi sau thuế 6 tháng của công ty chỉ đạt 433 tỉ đồng, giảm hơn nửa so với cùng kì.

Bên cạnh các "ông lớn" có giá cổ phiếu sụt giảm thì bất ngờ khi cổ phiếu CMX của CTCP Camimex Group vẫn tăng 97,6% lên 29.250 đồng/cp (kết thúc phiên 21/8). Đây cũng là mức tăng cao nhất trong 10 doanh nghiệp thủy sản có vốn hóa lớn trên sàn.

Mức tăng này được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh đột biến khi 6 tháng đầu năm, công ty đạt 511 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 10% so với cùng kì. Lãi ròng lên tới 71 tỉ đồng tăng cao gấp hơn 4 lần nửa đầu năm 2018.

Tuy cả doanh thu và lợi nhuận của công ty đều tăng trưởng mạnh nhưng vẫn còn cách khá xa kế hoạch kinh doanh đề ra. Hiện CMX chỉ mới thực hiện được 19% kế hoạch doanh thu và 36% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Khó tăng trưởng lợi nhuận đột biến

Mặc dù vẫn có sự tăng trưởng lợi nhuận nhưng nhìn chung doanh nghiệp thủy sản không còn nhiều dư địa tăng trưởng như 2018.

Theo tin từ Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu tôm tiếp tục suy giảm trong nửa đầu năm 2019 do nhu cầu tiêu thụ yếu.

Giá trị xuất khẩu tôm nửa đầu năm đạt 1,4 tỉ USD (giảm 12%). Trong đó, thị trường EU – thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam ghi nhận mức sụt giảm 25,9% với kim ngạch đạt 300,5 triệu USD.

Giá xuất khẩu ở mức thấp cùng với nhu cầu tiêu thụ yếu khiến cho sản phẩm tôm chưa tăng trưởng như kì vọng.

Ngoài ra, kết thúc nửa năm, cá tra ghi nhận mức sụt giảm sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm 2018. Giá trị xuất khẩu cá tra đạt 961,6 triệu USD (giảm 4,1% so với cùng kì). Trong đó, thị trường Mỹ ghi nhận mức sụt giảm mạnh với tổng giá trị xuất khẩu đạt 141,9 triệu USD (giảm 27,9% ).

Nguồn cung nguyên liệu dồi dào hơn năm trước cùng với mức tồn kho tại các thị trường xuất khẩu vẫn cao là nguyên nhân chính khiến việc xuất khẩu giảm sút so với cùng kì.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức ký kết, theo đó ngành thủy sản được kì vọng hưởng lợi. Tuy nhiên, hiện tác động đến từ hiệp định vẫn còn khá mơ hồ.

Đối với các sản phẩm cá tra, Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng tác động của việc giảm thuế trong mỗi năm không tạo ra ảnh hưởng đột biến do mức thuế hiện tại ở mức thấp, cùng với thời gian giảm về 0% khá dài (3 năm giảm từ mức 9% về 0%).

Đồng thời, theo BSC, khó có thể kì vọng mức tăng trưởng đột biến ở các doanh nghiệp thủy sản do năm 2018 đã ghi nhận mức tăng trưởng cao.

Với ngành cá tra, BSC cho rằng giá bán khó có thể duy trì mức tăng 30 – 35% trong năm 2018. 

Còn với doanh nghiệp tôm, nguồn cung tại các nước xuất khẩu tôm lớn tiếp tục dồi dào nên BSC dự báo giá bán của các doanh nghiệp tôm tiếp tục đi ngang trong 2019.

Điểm sáng cho ngành tôm là việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mới đây đã áp mức thuế chống bán phá giá là 0% với khoảng 30 doanh nghiệp tôm của Việt Nam.

Theo Sao Ta, với mức thuế này, đây là một tin vui chung cho ngành tôm Việt, là động lực tốt để các thương nhân tôm Việt tiếp tục việc kinh doanh của mình và có cơ hội cải thiện cơ cấu thị trường tôm Việt. Sao Ta dự báo tôm bán vào Mỹ sẽ có tăng trưởng.

TH

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.