|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Không chỉ dầu thô, cả xế hộp cũng phải lênh đênh trên biển vì hết chỗ chứa trong đất liền

12:09 | 06/05/2020
Chia sẻ
Nhu cầu xe ô tô của Mỹ đang lao dốc trong bối cảnh nền kinh tế rơi vào suy thoái vì COVID-19. Một con tàu chở 2.000 xe ô tô đã phải lênh đênh trên biển cả tuần để chờ cho đến khi được phép dỡ hàng - một điều hiếm thấy xưa nay.
Không chỉ dầu thô, ô tô cũng phải lênh đênh trên biển vì hết chỗ chứa - Ảnh 1.

Bãi đỗ xe tại cảng Los Angeles còn rất ít chỗ trống. Ảnh: Bloomberg

Con tàu chở hàng Jupiter Spirit to lớn với chiều dài gần bằng hai sân bóng đá đến gần cảng Los Angeles ngày 24/4. Sau chuyến hành trình kéo dài ba tuần từ Nhật Bản, con tàu đã sẵn sàng dỡ xuống gần 2.000 chiếc ô tô Nissan một cách nhanh chóng.

Nhưng khi chỉ còn cách bờ khoảng 1,5 km; Jupiter Spirit nhận được lệnh thả neo và buộc phải đứng đợi trên biển trong gần 1 tuần. Con tàu trôi nổi này giống như biểu tượng của tình trạng bế tắc chưa từng có trong lịch sử, khi mọi bãi chứa đều đã kín chỗ do nhu cầu mua ô tô của người tiêu dùng Mỹ giảm mạnh.

Theo Bloomberg, suy thoái vì COVID-19 đã tạo ra tình trạng dư thừa sản phẩm trong nhiều lĩnh vực của kinh tế Mỹ. Nông dân Mỹ đổ bỏ hàng triệu lít sữa bò, còn giá dầu thì rơi xuống mức âm. Hiện tại, đến cả những chiếc xe mới cứng cũng bị bỏ rơi trên biển trong nhiều ngày.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã khiến những chiếc xe mới phải nằm đắp chiếu trong các bãi đỗ, giá bán tụt dốc, và hàng chục nghìn nhân viên buộc phải nghỉ việc. Doanh số bán xe tại Mỹ của Toyota, Subaru và Hyundai lần lượt giảm 54%, 47% và 39%.

Ông John Felitto, Phó chủ tịch chi nhánh tại Mỹ của công ty vận tải Wallenius Wilhelmsen cho biết các đại lí gần như không nhận thêm xe nữa, và nhu cầu thuê xe cũng giảm mạnh.

Ông nói: "Tình hình hiện nay khác với tất cả những gì chúng tôi đã từng trải qua. Mọi người đều hết sạch chỗ để xe".

Jupiter Spirit cuối cùng cũng đã được dỡ hàng vào ngày 29/4. Nhưng ngành công nghiệp ô tô thường được vận thành theo phương thức sản xuất tức thời (just in time), nên việc con tàu này phải trì hoãn dỡ hàng là rất bất thường.

Ông Kipling Louttit, Giám đốc điều hành của Sở giao dịch hàng hải Southern California cho biết: "Việc một tàu container, tàu chở ô tô hoặc một tàu du lịch không đi thẳng đến bến - dỡ hàng - đi tiếp là điều rất khác thường".

Không chỉ dầu thô, ô tô cũng phải lênh đênh trên biển vì hết chỗ chứa - Ảnh 2.

Tàu chở hàng và tàu chở dầu thả neo bên ngoài Cảng Long Beach và Cảng Los Angeles ở California vào ngày 24/4. Ảnh: Bloomberg.

Theo dữ liệu của IHS Markit PIERS, năm ngoái, Mỹ nhập khẩu khoảng 250.000 ô tô từ Nhật Bản. Phần lớn số xe này đều đi qua Los Angeles và Long Beach. 

Tại cảng Long Beach, ôtô được bốc dỡ tại một trong hai cầu tàu. Với tổng diện tích lên đến gần 770.000 m2, hai cầu tàu này đủ sức chứa vài nghìn chiếc xe. Những chiếc xe này thường được nhanh chóng chuyển đến các bãi chứa lớn hơn và có chi phí rẻ hơn, cách đó 8 – 13 km. Sau đó, chúng được chuyển đến các đại lí bằng xe tải hoặc qua đường sắt.

Nhưng sự sụp đổ doanh số bán xe trong tháng trước đã tạo ra hiện tượng tắc nghẽn dây chuyền. Một số thuyền chở ô tô phải chuyển hướng sang cảng khác, hoặc phải chờ đợi suốt vài ngày để có thể dỡ hàng, hoặc thậm chí phải hủy chuyến trước khi lên đường.

Cảng Hueneme, một cơ sở nhập khẩu lớn tại California, đã phải tìm chỗ trống trong khu vực xung quanh để chứa thêm khoảng 6.000 chiếc xe dư thừa. Bãi chứa 4.000 chiếc xe của Hueneme đã kín chỗ từ trước.

CEO Kristin Decas của cảng Hueneme cho biết: "Bạn không thể xếp chồng xe ô tô lên nhau. Chúng tôi thậm chí đã cân nhắc gửi xe tại Khu hội chợ hạt Ventura".

Theo lời của phát ngôn viên, Toyota Motor chưa gặp phải vấn đề lớn trong việc tìm bãi chứa cho các ô tô được tiếp nhận từ các tờ chở hàng. Tuy vậy, công ty đã phòng xa và thuê thêm một địa điểm tổ chức sự kiện thể thao tại California. 

Đại diện của Hyundai Motor cho biết số xe tồn kho tại cảng West Coast đang tăng vọt, nhưng công ty đã tìm được bãi đỗ bổ sung để giảm bớt áp lực cho các cơ sở tại cảng.

Không chỉ dầu thô, ô tô cũng phải lênh đênh trên biển vì hết chỗ chứa - Ảnh 3.

Những chiếc Nissan tại một bến tàu tại cảng Los Angeles hôm 28/4. Ảnh: Bloomberg

Theo Bloomberg, Jupiter Spirit được vận hành bởi Nissan Motor Car Carrier, một công ty liên doanh giữa Nissan Motor và Mitsui O.S.K.

Nissan cho biết sự chậm trễ tại Long Beach là hậu quả của nhu cầu xe ô tô giảm mạnh vì đại dịch COVID-19. Hiện tại hãng sản xuất xe Nhật Bản này chưa lên được lịch trình để đưa xe ra khỏi cảng và các bãi chứa xe thứ cấp.

Giá cổ phiếu của Mitsui O.S.K lao dốc 9,1% trong phiên giao dịch ngày 1/5, mức sụt giảm lớn nhất trong hơn 4 năm.

Dù đang phải tìm cách xoay sở để đối phó với lượng ô tô tồn kho dư thừa, nhưng các cảng còn phải chuẩn bị cho một viễn cảnh tồi tệ hơn: hoạt động giao hàng ngừng hoàn toàn khi nền kinh tế ngày càng rơi sâu vào suy thoái.

IHS Markit ước tính nhu cầu ô tô và xe tải ở Mỹ dự kiến sẽ giảm 27%, xuống còn 12,5 triệu xe trong năm nay. Từ năm 2010, đây là lần đầu tiên nhu cầu xe ô tô của thị trường Mỹ thấp như vậy. 

Theo JD Power, giá xe cũ sẽ giảm 8% - 16% cho đến tháng 6, và ổn định dần vào cuối năm khi Mỹ mở cửa và nhu cầu tăng trở lại.

Cảng Hueneme cũng có dự báo ảm đạm tương tự: Các lô hàng ô tô sẽ giảm ít nhất 25% trong năm tới. CEO Decas của cảng Hueneme cho biết các công ty logistics nhập khẩu ô tô đã sa thải khoảng 80% nhân viên địa phương, khi doanh thu được dự kiến là sẽ lao dốc trong thời gian dài. 

Cảng Hueneme cũng chỉ có hai chuyến tàu có lịch cập bến từ sau ngày 17/5, so với ít nhất 4 hay 5 chuyến mỗi tuần như thông thường.

Tuy nhiên, cảng Hueneme vẫn may mắn nhờ có được nguồn doanh thu khác, đến từ hoạt động nhập khẩu hoa quả nhiệt đới như dứa, bơ và đặc biệt là chuối. Bà Decas nói: "Mọi người có thể sẽ không mua xe ô tô khi kinh tế suy thoái nhưng họ vẫn sẽ ăn chuối".

Giang